Những năm qua, bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Ghi nhận của chúng tôi tại xã Cây Thị (Đồng Hỷ).
Cây Thị là một trong những xã khó khăn của huyện Đồng Hỷ với 8 xóm, trên 900 hộ dân, trong đó 65% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; 80% thu nhập của người dân là từ sản xuất nông nghiệp. Cách đây 5 năm, xã có tới 6 xóm nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 135. Nhưng, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư các công trình đường giao thông (hiện trên 90% đường giao thông của xã đã được cứng hóa), thủy lợi (với 3 đập trữ nước, trạm điện, trường học)... đã giúp tình hình sản xuất và đời sống kinh tế - xã hội của người dân nơi đây có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện qua hoạt động ủy thác của 4 tổ chức hội, đoàn thể (gồm: Liên hiệp Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên) mà trong những năm qua, đã có hàng nghìn lượt hộ được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, qua đó đã góp phần giúp trên 100 hộ thoát nghèo (từ năm 2015 đến nay). Hiện, dư nợ của xã Cây Thị tại NHCSXH huyện là 37 tỷ đồng, với 10 chương trình cho vay. Trong đó, một số chương trình cho vay có dư nợ lớn gồm: Cho vay hộ nghèo trên 14,7 tỷ đồng; cho vay chăn nuôi có dư nợ trên 5,8 tỷ đồng; chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn dư nợ gần 5,9 tỷ đồng…
Chị Nguyễn Thị Hằng, xóm Suối Găng chia sẻ: Là hộ nghèo từ năm 2002 nên mặc dù gia đình được ủy thác trồng rừng từ Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên nhưng không có vốn để làm. Đến năm 2011, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi được vay vốn hộ nghèo 20 triệu đồng nên đã trồng được 4ha rừng. Sau khi có tiền thu từ rừng, tôi đã trích một phần để đi học nghề đông y và sau đó về bốc thuốc tại nhà. Từ đó, kinh tế của gia đình tôi bắt đầu ổn định, làm được nhà khang trang, rộng rãi như bây giờ. Ngoài ra, cũng nhờ được vay 58,5 triệu đồng từ chương trình học sinh, sinh viên nên vợ chồng tôi mới có điều kiện nuôi 2 con học đại học. Hiện, con trai lớn của tôi đã học xong đại học và đang làm kiểm lâm tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai); con gái út đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Công đoàn Hà Nội.
Không chỉ thoát nghèo, nhờ phát huy tốt nguồn vốn vay mà nhiều hộ nghèo đã có điều kiện vươn lên làm giàu. Một trong số đó phải kể đến gia đình anh Bùi Đắc Quỳnh, xóm Cây Thị. Nhìn cửa hàng khang trang với diện tích khoảng 80m2 mới được xây, ít ai biết trước đây gia đình anh lại là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm. Anh Quỳnh chia sẻ: Nhờ vào trồng rừng và nguồn thu từ việc buôn bán ở chợ nên năm 2011, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tuy vậy, kinh tế của gia đình vẫn còn rất nhiều khó khăn, công việc làm thuê và buôn bán nhỏ ở chợ cũng chỉ giúp trang trải cơm ăn, áo mặc hàng ngày nên không có tích lũy. Đến năm 2014, gia đình tôi được xóm bình xét cho vay vốn 50 triệu đồng theo chương trình thoát nghèo. Vợ chồng tôi đã sử dụng vốn để đầu tư xây dựng chuồng nuôi 5 con lợn nái. Nhờ chăn nuôi hiệu quả nên quy mô đàn lợn của gia đình ngày một mở rộng. Đến nay, đàn lợn của gia đình tôi đã có trên 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái. Hiệu quả từ chăn nuôi còn giúp tôi có vốn để mở thêm cửa hàng tạp hóa. Đến nay, gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ phát huy hiệu quả đối với các chương trình cho vay để phát triển kinh tế, nguồn vốn từ NHCSXH còn là “phao cứu sinh” cho nhiều hộ nghèo trong việc nuôi con ăn học. Tính đến nay, đã có gần 60 hộ trên địa bàn xã được vay vốn từ chương trình này. Trong số này, có hơn 30 em đã ra trường và đi làm; trên 20 em đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học. Hầu hết các em sau khi ra trường đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành hoặc làm tại các công ty, khu công nghiệp nên có điều kiện để giúp đỡ gia đình. Nhiều hộ vì thế cũng đã thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang.
Ông Hoàng Duy Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguồn vốn của NHCSXH rất quan trọng góp phần giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế. Cùng với nguồn vốn, chúng tôi cũng tích cực chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp bà con nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, trồng trọt. So với cách đây 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm gần 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã tính đến cuối năm 2018 là 21,5%, so với mặt bằng chung của tỉnh thì vẫn còn cao. Vì thế, chúng tôi vẫn mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, dành thêm nguồn lực để thực hiện các chương trình cho vay theo quy định, vì trên thực tế, vẫn còn một số chương trình chưa đủ nguồn vốn để đáp ứng được nhu cầu của người vay. Cùng với đó, cần giảm lãi suất cho vay ở một số chương trình để các hộ có hoàn cảnh khó khăn hoặc mới thoát nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.