Nằm cách xa trung tâm T.X Phổ Yên, thời gian trước, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở xã Phúc Tân gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp trên, với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, diện mạo nông thôn ở Phúc Tân đã đổi thay rõ rệt, đời sống của bà con từng bước được nâng lên.
Trở lại xã Phúc Tân vào những ngày đầu tháng 4 này, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của bà con nhân dân nơi đây khi những tuyến đường bê tông mới được đầu tư xây dựng nối dài đến từng ngõ xóm, nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang xuất hiện ở các xóm. Trên những đồi chè, khoảnh rừng, người dân miệt mài lao động sản xuất… Tất cả cho thấy diện mạo nông thôn của xã đang có những đổi thay tích cực, cuộc sống no ấm đang về với người dân ở một miền quê nghèo khó năm xưa.
Đưa chúng tôi đi thăm những rừng cây, đồi chè xanh bát ngát đang đến kỳ thu hoạch, ông Trần Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: So với các địa phương khác ở T.X Phổ Yên, xã Phúc Tân có xuất phát điểm thấp, trước đây đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn còn thiếu và yếu.
Tuy nhiên, xã có lợi thế gần chân dãy núi Tam Đảo, được hưởng không khí mát mẻ, thuận lợi cho việc phát triển cây chè và trồng rừng. Vì thế, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, xã đã khuyến khích, động viên các hộ dân tập trung trồng rừng sản xuất (chủ yếu là cây keo) với diện tích hơn 2.000ha. Theo tính toán của người dân, sau 5-7 năm trồng rừng, sẽ cho thu hoạch 70-80 triệu đồng/ha. Cùng với đó, trồng rừng cũng không quá vất vả, chỉ mất 1-2 năm đầu cần chăm sóc nhiều còn lại những năm sau chỉ cần tỉa cành phù hợp. Diện tích rừng ngày càng được mở rộng, nhiều cơ sở chế biến gỗ cũng được hình thành, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Để cải thiện thu nhập, người dân trong xã cũng không ngừng mở rộng diện tích chè với tổng diện tích gần 300ha, trong đó 70% diện tích là chè cành. Nhằm từng bước nâng cao giá trị cây chè, Phúc Tân cũng đã thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 10ha, với 36 hộ thuộc xóm 4 và 6 tham gia. Hiện nay, xã cũng đang tiếp tục nhân rộng mô hình này với quy mô 30ha tại xóm 1, 2, 8 và 9. Theo anh Trần Xuân Quỳnh, người dân ở xóm 11, cùng với cây rừng, trồng chè đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Bình quân mỗi ha chè cho thu hoạch 115 tạ chè búp tươi/năm, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi gần 70 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng chè, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng chè cành, nhằm cải thiện thu nhập.
Nhằm phát huy tối đa lợi thế của địa phương, hiện nay xã Phúc Tân cũng đã hình thành các mô hình trồng cây ăn quả với diện tích 35ha, tập trung ở các xóm: 1, 2, 6, 9, thu nhập bình quân đạt 150-170 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó đến nay, thu nhập của người dân xã Phúc Tân đạt trên 31 triệu đồng/người/năm (năm 2011 là 9,5 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,3%.
Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, những năm qua, xã Phúc Tân cũng lồng ghép, tranh thủ các nguồn vốn, vận động nhân dân đóng góp để thực hiện nội dung này. Chỉ tính riêng trong năm 2018, xã đã hoàn thành 5km đường trục xã, 10km đường trục xóm, ngõ xóm; xây dựng mới 3 nhà văn hóa xóm, sửa chữa 7 nhà văn hóa. Đến nay, 100% đường trục xã đã được nhựa hóa; 87% đường trục xóm và liên xóm đã cứng hóa… Theo ông Trần Hồng Thái, đây cũng chính là kết quả nổi bật của xã trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bằng việc phát động các phong trào, hoạt động cụ thể gắn với các tiêu chí nông thôn mới, năm 2018, nhân dân đã đóng góp gần 15 tỷ đồng; tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất thổ cư và đất lâm nghiệp, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình công cộng khác.
Ông Trần Quang Tung, ở xóm 10 cho biết: Nhận thấy việc xây dựng nhà văn hóa xóm là rất cần thiết trong khi quỹ đất xây dựng chưa có, do vậy năm 2017, tôi đã bàn bạc với vợ và các con tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất trồng chè để xóm làm nhà văn hóa. Diện tích trên nếu để trồng chè, hằng năm, có thể mang lại nguồn thu nhập hơn 40 triệu đồng, song không vì thế tôi tính toán thiệt hơn mà tất cả vì lợi ích chung. Hiện, nhà văn hóa xóm đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với diện tích 130m2, kinh phí trên 500 triệu đồng…
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn ở xã Phúc Tân những năm gần đây đã có những đổi thay tích cực. Trong đó, nổi bật là sản xuất phát triển, thu nhập bình quân đầu người dần tăng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, trật tự xã hội được đảm bảo, cảnh quan môi trường được sạch đẹp, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Dù phát triển kinh tế - xã hội trong những điều kiện còn hết sức khó khăn, song xã Phúc Tân luôn được T.X Phổ Yên đánh giá cao, bởi những cách làm linh động, phù hợp với thực tế tại địa phương. Bằng những cách làm và bước đi phù hợp, xã Phúc Tân tự tin sẽ tiếp tục vươn lên, trở thành một trong những điểm sáng ở T.X Phổ Yên trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.