Phóng sự của Trần Quyền Mạnh dạn đi tiên phong để làm giàu cho mình và giúp đỡ nhiều người, anh Hà Quốc Vượng ở xóm Bản Chang, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) trở thành một tấm gương sáng cho không chỉ người dân trên mảnh đất vùng cao khó khăn này mà còn ở nhiều nơi khác có thể học theo. Với anh,niềm tin và tình người luôn là những điều quan trọng.
Người đàn ông 55 tuổi này còn nguyên sự thật thà, chất phác củamột người dân tộc thiểu số sinh sống lâu năm ở vùng cao nhưng lại có cái nhanh nhạy, quyết đoán và giỏi tính toán như một doanh nhân có tầm. Ở nơi xa xôi, heo hút, “núi rừng bủa vây” ấy, trong khi đa phần bà con chòm xóm còn đang vật lộn thoát nghèo thì anh Vượng đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng một trang trại tổng hợp gồm những cây trồng, vật nuôi rất mới lạ với địa phương. Mọi người từ nghi ngờ đến ngạc nhiên và thán phục anh rồi kéo nhau đến học hỏi ngày một nhiều.
“Đánh thức” lũng Dọ Trái
Dừng xe ở đầulũng Dọ Trái, tôi theo anh Vượng đi một vòng trang trại. Thung lũng hẹp, dài cả cây số này được phủ một màu xanh tốt bởi 2 vạn khóm chuối tây Thái Lan (tương đương khoảng 10ha). Để có giống chuối mới đó, đầu năm 2017, anh Vượng đã lặn lội về huyện Khoái Châu (Hưng Yên) mua 18 nghìn đồng 1 cây và học hỏi kỹ thuật của “ông vua chuối” tên là Thành. Tại sao anh chọn giống chuối này chú biết không? – anh Vượng như đoán được ý của tôi, tự hỏi rồi giải thích với vẻ tâm đắc: Vì nó ngắn ngày, đề kháng tốt và đầu ra cũng tốt. Chắc kỹ thuật và đầu ra thì không sợ gì cả. Nếu cái gì cũng sợ thì chả làm được gì.
Lứa đầu anh Vượng thu gần 200 tấn chuối, bán được hơn 1 tỷ đồng. Từ đó, vườn chuối cho thu quả quanh năm. Điều đặc biệt là dù có diện tích trồng chuối tập trung khá lớn nhưng anh Vượng không hề dùng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh mà chỉ áp dụng cách thức thủ công tự mày mò. Anh quan niệm, muốn phát triển bền vững thì phải sản xuất sạch để bảo vệ sức khỏe của mình và an toàn cho người sử dụng.
Nhìn vào nguồn thu từ trồng chuối của gia đình anh Vượng, có người bảo chỉ cần tập trung vào đấy đã giầu to rồi. Nhưng anh không nghĩ thế bởi loại cây này chỉ để “lấy ngắn nuôi dài”, đó là bước đầu tiên cho những kế hoạch táo bạo của anh – phát triển trang trại cây dược liệu quý.
Thung lũng Dọ Trái có hai khe nước dài, đất nhiễm phèn bạc mầu, trồng cấy gì cũng khó khăn. Từ việc ấp ủ ý tưởng trồng cây dược liệu, anh Vượng đã dùng máy xúc của nhà san lấp liên tục 1 năm để có mặt bằng trong lũng. Trong dự tính của anh, việc trồng chuối vừa có nguồn thu trước mắt đồng thời tạo bóng râm để trồng cây chè hoa vàng (một loại cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế rất cao bởi đã được chứng minh có tác dụng lớn với sức khỏe con người). Trước đó, năm 2016 anh đã trồng 0,5ha cây ba kích tím, nay đã bắt đầu cho thu hoạch với giá bán trung bình 250 nghìn đồng/kg củ, nhiều tổ chức, cá nhân đã đặt mua. Theo tính toán “khiêm tốn” của anh Vượng, 1ha ba kích tím sau khi trừ mọi chi phí có thể cho thu lãi hơn 3 tỷ đồng, gấp hàng chục lần trồng keo mà lại nhanh cho thu hoạch.
Đến nay, anh Vượng đã mở rộng diện tích trồng cây ba kích tím lên hơn 2ha, cùng với đó là 3ha cây chè hoa vàng, ngoài ra là các loại cây dược liệu quý khác như: Cát sâm, đinh lăng, hà thủ ô, cà gai leo, trầm hương và một số loại cây ăn quả… kết hợp nuôi chim trĩ, đà điểu. Tại khu vực địa hình cao, anh đầu tư trồng rừng sản xuất. Tổng diện tích trồng cây dược liệu và rừng của gia đình anh cùng với 3 người anh em ruột hiện vào khoảng 80ha. Anh nhẩm tính, số tiền đã đầu tư vào trang trại này hiện đã hơn 6 tỷ đồng.
Giúp người để cùng làm ăn lớn
Tôi ngày càng bị cuốn vào câu chuyện làm ăn của ông chủ chất phác ấy và thực sự bị thuyết phục. Qua những câu chuyện đó, tôi cảm nhận hình ảnh những người nông dân vùng cao còn lạc hậu và nghèo luôn ám ảnh anh Vượng. Ngoài những khó khăn khách quan, anh biết vì sao nhiều người vẫn mãi nghèo dù có nhiều đất đai, bởi họ rụt rè, thiếu thông tin và kiến thức làm ăn, họ thiếu vốn, sợ thất bại, sợ không có đầu ra hoặc chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt…
Đã xoay qua nhiều nghề, từ làm kem, làm đậu phụ, bán hàng tạp hóa, dịch vụ vận tải, san lấp mặt bằng, đến nửa đời, anh Vượng chợt nhận ra giá trị vàng của đất. “Thua keo này ta bày keo khác”, bắt đầu không bao giờ là quá muộn, anh ra sức “săn lùng” thông tin về các giống cây, con triển vọng. Hễ nghe ở đâu có mô hình hay có thể áp dụng là anh tìm đến học hỏi. Mang theo tư tưởng đó, anh đã lặn lội đến nhiều tỉnh thành từ đồng bằng Bắc bộ đến Tây Bắc, Tây Nguyên. Sau lần đi học hỏi mô hình trồng chè hoa vàng tại tỉnh Quảng Ninh, anh như mở cờ trong bụng rồi bỏ tiền túi để tổ chức một chuyến tham quan mời những người cùng chí hướng và cả lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện đi cùng. Anh bảo, như vậy là mình giúp được nhiều người biết đến mô hình hay để lan tỏa thông tin, cùng làm thì mới tạo thành vùng hàng hóa lớn được.
Từ suy nghĩ cần phải đoàn kết, liên kết để cùng phát triển kinh tế, năm 2013, anh Hà Quốc Vượng đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Thịnh Vượng với 7 thành viên. Từ cách nghĩ, cách làm, sự năng động, cởi mở, chân thành của anh với tư cách Giám đốc Hợp tác xã, đến nay số thành viên đã tăng lên 23 người. Là người luôn đi tiên phong, biết đến đâu, anh chỉ cho mọi người đến đó.
Không những sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, anh Vượng còn giúp đỡ không ít người trong và ngoài Hợp tác xã bằng những cách khác nhau như: Đứng ra vận động và kết nối cung cấp giống cho người dân trồng 3ha cây ba kích tím; cung cấp gần 1 vạn cây giống chuối tây Thái Lan cho nhiều hộ và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho mọi người (những gia đình khó khăn, anh thường cho trả chậm, bán rẻ hơn hoặc biếu không cây giống)… Giờ thì không chỉ ở xã Nghinh Tường mà nhiều người dân trong và ngoài huyện vùng cao Võ Nhai đã biết đến mô hình của gia đình anh. Họ đến để học hỏi, nghe ngóng hoặc đã có người muốn bắt tay hợp tác với anh. Ai đến, anh cũng vui lòng chia sẻ, giúp đỡ.
Câu chuyện giữa tôi và anh Vượng bị ngắt quãng bởi anh có điện thoại. Lúc sau có một người đàn ông trung niên tìm đến trang trại cất giọng vẻ ngượng ngùng: “Anh để cho em 150 cây chuối nữa nhá, khi nào có tiền em trả cả 100 cây lần trước”. Tiếng anh Vượng: “Ui, chú mày cứ lấy đi, bao giờ có thì trả”. Giới thiệu qua để tôi biết người đàn ông đó là Triệu Tiến Tài, người dân tộc Dao ở xóm Hạ Lương xa nhất xã, anh Vượng quay sang anh Tài nói tiếp: Chút nữa lên mà xem chim trĩ, tao nghĩ chú mày làm được đấy!”…
Có người bảo anh Vượng liều nhưng không phải, bởi làm gì anh cũng tìm hiểu rất kỹ. Những cây dược liệu anh đã trồng hiện đang phát triển tốt, hợp với thổ nhưỡng và đặc biệt là đầu ra thuận lợi vì nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ngày càng cao. Có đối tác lớn đã đăng ký bao tiêu toàn bộ sản phẩm dược liệu thô của Hợp tác xã, đó là sự đảm bảo nhưng anh Vượng đã tính toán để đầu tư chế biến thành phẩm và xây dựng thương hiệu riêng.
Mọi thứ ở thung lũng Dọ Trái với anh Hà Quốc Vượng như chỉ mới bắt đầu nhưng triển vọng đã rất rõ.