Từ đầu năm 2019 đến nay, mặt hàng xăng, dầu đã có 4 lần tăng giá. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn tỉnh phải chịu áp lực không nhỏ về giá cước để bảo đảm hoạt động ổn định.
Sau lần tăng giá vào đầu tháng 5 này, hiện nay, các loại xăng bán lẻ trên thị trường có giá tối đa từ 20.680 - 22.780 đồng/lít (tùy loại và tùy khu vực), tăng từ 4.410 - 4.680 đồng/lít so với đầu tháng 1-2019; dầu DO có giá tối đa từ 17.690 - 18.340 đồng/lít (tùy loại và tùy khu vực), tăng từ 2.790 - 2.990 đồng/lít so với đầu tháng 1-2019. Trong khi giá xăng, dầu liên tục tăng thì theo ghi nhận của chúng tôi, các DN kinh doanh vận tải hành khách vẫn chưa thể điều chỉnh tăng giá cước vì nhiều lý do khác nhau.
Công ty cổ phần Vận tải Thái Nguyên hiện là đơn vị có số đầu xe hoạt động nhiều nhất tại Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên (với trên 100 xe), kinh doanh ở 3 loại hình vận tải là: Xe buýt, xe chạy tuyến cố định và xe taxi. Thời điểm trước tháng 3-2019, trung bình mỗi tháng DN tiêu thụ từ 50.000 đến 60.000 lít xăng, dầu (tương ứng với số tiền trên dưới 110 triệu đồng). Sau 3 lần giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng liên tiếp trong tháng 4 và đầu tháng 5 này, tính ra DN phải chi phí thêm hơn 20 triệu đồng/tháng về tiền xăng, dầu. Điều này gây nhiều khó khăn, áp lực cho DN trong quá trình hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Sỹ Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty, Giám đốc Xí nghiệp vận tải đường bộ cho biết: Hiện nay, mức thu giá cước của Công ty chỉ đủ bù lỗ, tuy vậy nhưng đơn vị vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước vận tải do nhiều nguyên nhân khác nhau như: mất thời gian làm hồ sơ và các khoản phí kiểm định, in vé mới…
Đối với nhà xe Trung Dũng chuyên chạy trên tuyến đường Thái Nguyên - Hải Phòng và ngược lại cũng gặp không ít khó khăn khi giá nhiên liệu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua. Anh Vũ Duy Thanh, nhân viên điều hành nhà xe cho biết: Hiện đơn vị có 11 đầu xe đăng ký hoạt động tại Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên, giá cước cho mỗi lượt hành khách đi xe là 120.000 đồng. Từ năm 2018 đến nay, mặc dù thị trường xăng, dầu liên tục điều chỉnh, mức tăng cao hơn nhiều so với mức giảm. Không những thế, trên tuyến đường Thái Nguyên - Hải Phòng còn có 2 trạm thu phí, mỗi quý DN phải trả tiền phí cầu đường tới gần 45 triệu đồng, cộng thêm các khoản phí phát sinh khác nhưng nhà xe vẫn quyết tâm, tính toán mọi nguồn thu - chi cân đối để bảo đảm giữ nguyên giá cước cho hành khách. Nhưng để làm được điều đó lâu dài là điều không thể bởi khó khăn trong điều tiết nguồn thu đang là áp lực đối với nhà xe.
Đối với các hãng taxi trên địa bàn tỉnh, hiện nay cũng chưa có đơn vị nào tăng giá cước. Theo đại diện hãng taxi Mai Linh, hiện nay, đơn vị này cũng chưa thể tăng giá cước do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do cạnh tranh với các hãng taxi khác, thứ hai là do nhận định giá xăng, dầu hiện vẫn chưa ổn định, nếu tăng giá, trung bình mỗi đầu xe phải mất ít nhất 300.000 đồng để cài đặt lại đồng hồ, điều này sẽ dẫn đến chi phí phát sinh tăng cao.
Thực tế hiện nay, sau mỗi lần thị trường xăng, dầu có sự điều chỉnh tăng - giảm giá không phải một sớm một chiều các DN có thể tự điều chỉnh giá cước theo sự biến thiên của giá nhiên liệu. Mặc dù khác với thời điểm từ năm 2015 trở về trước, hiện nay, các DN kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có quyền quyết định điều chỉnh giá cước sau khi có phương án điều chỉnh giá vé, hoàn thiện hồ sơ trình Sở Giao thông - Vận tải và Sở Tài chính xem xét. Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Quyến, Phó Giám đốc Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên thông tin: Từ năm 2018 đến nay, hoạt động kinh doanh của các DN đăng ký tại Bến gặp nhiều khó khăn do sự bùng nổ của các phương tiện xe công nghệ, xe chất lượng cao. Bởi thế, trong năm 2018 đã có 76 xe ngừng hoạt động và quý I/2019 là 4 xe. Về việc điều chỉnh tăng giá cước, trong năm 2018, Bến ghi nhận có 171 tuyến của 34 DN vận tải trong và ngoài tỉnh thông báo điều chỉnh giá cước với mức tăng từ 4,3-30,4%. Từ đầu năm đến nay, mới chỉ có 9/110 đơn vị vận tải hành khách đang hoạt động tại Bến gửi thông báo tăng giá vé với mức tăng thấp nhất là 7,9% và cao nhất là 50%. Còn lại, đa số các đơn vị vẫn đang nghe ngóng tình hình diễn biến giá xăng, dầu và tự cắt giảm tối đa các chi phí để giữ nguyên giá cước vận tải.
Có thể thấy, rất nhiều nguyên nhân khách quan được đưa ra đang là “rào cản” khiến các DN kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô khó điều chỉnh tăng giá cước khi giá nhiên liệu liên tục tăng trong thời gian vừa qua. Điều này đã và đang có lợi cho hành khách nhưng lại gây không ít khó khăn cho các DN. Do đó, để bảo đảm hài hòa giữa quyền lợi của người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh, các DN vận tải cần có sự tính toán, cân đối nguồn thu, điều chỉnh phù hợp.