Đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nền nếp

10:32, 04/05/2019

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản (TNKS) trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường và có chuyển biến tích cực. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) gây ra.  

 

Tỉnh ta là địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn và đa dạng về chủng loại, như: Khoáng sản kim loại (vàng, quặng sắt, vonfram, kẽm...) với trữ lượng gần 90 triệu tấn; khoáng sản năng lượng (than) với trữ lượng trên 100 triệu tấn; khoáng sản phi kim loại (vật liệu xây dựng) với trữ lượng trên 100 tỷ m3... Chính vì vậy, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh luôn diễn ra sôi động. Theo số liệu tổng hợp của Sở Tài nguyên - Môi trường, hiện nay, toàn tỉnh có 138 mỏ được cấp phép khai thác (98 mỏ đã tiến hành khai thác, 34 mỏ chưa khai thác, 6 mỏ mới cấp dưới 12 tháng), trong đó có 22 mỏ do các bộ, ngành Trung ương cấp phép, 116 mỏ do UBND tỉnh cấp phép khai thác.

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá: Về cơ bản, công tác quản lý Nhà nước về TNKS trên địa bàn tỉnh đã từng bước được chấn chỉnh, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Các đơn vị KTKS trên địa bàn cơ bản thực hiện tốt chính sách, pháp luật về quản lý KTKS gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động. Công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản của các đơn vị, doanh nghiệp từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại, từ đó góp phần nâng cao giá trị khoáng sản và giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh...

Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về TNKS, ngay sau khi có Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, UBND tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TNKS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015”, Đề án “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TNKS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020”. Nội dung Đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động KTKS trái phép.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức gần 300 cuộc kiểm tra, truy quét các hoạt động khai thác trái phép và tổ chức hơn 500 cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Hữu Hanh, Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết: Qua các cuộc kiểm tra, truy quét, cơ quan chức năng không chỉ xử lý những hành vi vi phạm mà còn kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị hoạt động đúng theo quy định. Bên cạnh đó, để nâng cao trách nhiệm, vai trò của chính quyền cơ sở, chủ tịch UBND các xã ký cam kết với chủ tịch UBND cấp huyện trong việc quản lý và bảo vệ TNKS...

Việc quản lý khoáng sản từng bước đi vào nền nếp đã đóng góp không nhỏ cho nguồn ngân sách của địa phương. Trong hai năm 2017-2018, các đơn vị KTKS trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách với tổng số tiền gần 3.000 tỷ đồng (năm 2017 là trên 1.400 tỷ đồng, năm 2018 trên 1.500 tỷ đồng). Các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã đóng góp vào ngân sách địa phương luôn tăng từ 10-20%/năm và giải quyết việc làm cho gần 13.000 lao động tại địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên còn xây dựng và tổ chức ký kết Quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ khoáng sản tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh, như: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang và Lạng Sơn.

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với tỉnh bạn tổ chức hàng chục cuộc kiểm tra, truy quét hoạt động KTKS trái phép ở vùng giáp ranh. Qua đó, TNKS được quản lý tốt hơn, không còn xuất hiện các điểm nóng về khai thác trái phép ở những khu vực này. Ông Ngô Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) chia sẻ: Từ năm 2015 trở về trước, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cầu đoạn chảy qua thôn Thù Lâm của xã diễn ra hết sức phức tạp, bởi nơi đây giáp ranh với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Mỗi khi lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét thì các đối tượng KTKS trái phép lại cho tàu cát chạy sang bên phía huyện Hiệp Hòa nên rất khó xử lý. Nhưng từ năm 2016, thực hiện Quy chế phối hợp của tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh bạn thì mỗi khi xuất hiện tàu hút cát trái phép, chính quyền địa phương sẽ liên lạc với cơ quan chức năng của tỉnh bạn để cùng kiểm tra nên nhiều đối tượng, phương tiện vi phạm đã bị xử lý. Qua đó, tình trạng khai thác cát trái phép ở địa phương đã cơ bản không còn...

Ông Nguyễn Hữu Hanh cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không còn xuất hiện điểm nóng về KTKS trái phép, nhưng vẫn còn tình trạng khai thác cát, sỏi và đất trái phép, với quy mô nhỏ, lẻ, gây ô nhiễm môi trường. Một số đơn vị được cấp phép nhưng chậm đi vào hoạt động khai thác, khai thác chưa đúng với thiết kế được phê duyệt. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đầu tư, cải tiến phương tiện, thiết bị khai thác và chế biến đã gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí TNKS. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng chưa kịp thời xử lý, thu hồi giấy phép đối với những doanh nghiệp thực hiện chậm tiến độ hoặc không triển khai hoạt động khai thác...

Vì vậy, để hoạt động KTKS thực sự đi vào nền nếp, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới, cơ quan chức năng vẫn phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị khai thác và người dân trong bảo vệ TNKS. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung quy hoạch về quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...