Khó khăn trong tăng trưởng dư nợ tín dụng

08:06, 11/05/2019

Trong khi dư nợ cho vay toàn ngành ngân hàng quý I/2019 tăng 2,06% thì trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chỉ tăng 0,9%. Và đây cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đưa ra đó là do một số doanh nghiệp lớn gặp khó khăn trong hoạt động nên khả năng hấp thụ vốn hạn chế…

50.923 tỷ đồng là số dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 31-3, so với cuối năm 2018 tăng 0,9%. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm 2018 và nhiều năm trước đó, mức tăng này thường đạt khoảng trên 3%. Có thể nói, so với nhiều tỉnh trong khu vực thì số dư nợ hiện nay của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn được đánh giá là ở mức cao. Nhưng nếu xét trong bối cảnh số doanh nghiệp mới của tỉnh được đăng ký thành lập tăng khá mạnh trong thời gian qua, thì mức tăng trưởng tín dụng này có thể nói là chưa tương xứng.

Thực tế này cũng là nguyên nhân để lý giải vì sao nguồn vốn huy động của tỉnh lại cao hơn hẳn so với kết quả chung toàn ngành. Trong khi mức tăng chung cả nước là 1,87% thì ở Thái Nguyên lại đạt tới 6,04% (từ 53.989 tỷ đồng cuối năm 2018 lên 57.252 tỷ đồng). Nhìn ở khía cạnh thông thường, mức tăng này cho thấy lòng tin của người dân đối với ngân hàng hiện là rất lớn và gửi tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả. Song nếu nhìn ở góc độ đầu tư thì điều này lại cho thấy thấy khả năng hấp thụ vốn của tỉnh ta thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Nói cách khác, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đang không hấp dẫn với nhà đầu tư.

Được biết, trong tổng số 27 chi nhánh ngân hàng hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thì khối ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần nhà nước (gồm: Công Thương, Đầu tư và Phát triển, Ngoại thương, Nông nghiệp và PTNT) với  thị phần chiếm tới 72% dư nợ trên địa bàn nhưng 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng được 0,4%; khối ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ còn lại, lại có mức tăng tốt hơn, đạt 2,15%. Tại mỗi ngân hàng cũng có mức tăng, giảm không giống nhau. Có chi nhánh tăng từ vài chục tới hàng trăm tỷ đồng, lại có chi nhánh giảm cũng hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Điều này phần nào cũng lý giải cho việc bên cạnh những doanh nghiệp giảm dư nợ, lại có những doanh nghiệp tăng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, tuy tăng không cao nhưng tính chung toàn tỉnh tróng quý I vừa qua, dư nợ cho vay vẫn cao hơn 456 tỷ đồng so với cuối năm 2018.

Giải thích về nguyên nhân khiến dư nợ cho vay của hệ thống tín dụng trên địa bàn thời gian qua tăng trưởng thấp, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho rằng có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến đó là nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay tăng, thậm chí là giảm. Ngoài yếu tố sau Tết Nguyên đán khả năng nhập, tích trữ nguyên liệu, hàng hóa giảm khiến nhu cầu vay vốn giảm, còn có nguyên nhân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhìn một cách tổng thể, đại đa số doanh nghiệp cơ bản giữ hoạt động ổn định, ít có sự tăng trưởng đột biến nên nhu cầu về vốn không tăng cao. Tiếp đến là ngành chăn nuôi thời gian qua phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh, giá cả lên xuống bấp bênh khiến nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi giảm quy mô, thậm chí là để trống chuồng. Trong khi đó, dư nợ cho vay đối với ngành này chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp và hộ cá nhân vẫn còn gặp khó khăn trong đăng ký tài sản đảm bảo, làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, không thể không nói đến định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đó là từ năm 2018 trở lại đây, không khuyến khích tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, BOT (lĩnh vực có độ rủi ro cao), nhằm giữ ổn định tiền tệ, kiểm soát tốt nợ xấu.

Còn theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên, việc nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động; khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư dự án như giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường… cũng là rào cản không nhỏ để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ở nhiều dự án, mặc dù ngân hàng rất muốn giải ngân, nhưng do không đủ thủ tục pháp lý cũng đành “lực bất tòng tâm”.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các ngân hàng đều rất tích cực tìm kiếm khách hàng và luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ. Chỉ có điều, các điều kiện, thủ tục cho vay ngày càng được siết chặt. Đâu cũng là nguyên nhân khiến mặc dù cũng như năm 2018, mức tăng trưởng dư nợ tín dụng năm nay mà Ngân hàng Nhà nước đưa là khoảng 14% (có điều chỉnh) thấp hơn khá nhiều so với các năm trước đó (trước thường từ 18% trở lên) nhưng nhiều khả năng, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn không đạt được mức tăng trưởng này. Và dự báo, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp, tăng trưởng tín dụng của tỉnh đạt thấp hơn mục tiêu và mức tăng chung toàn ngành. Trong khi trước năm 2017, dư nợ tín dụng của Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn bình quân chung cả nước, bởi nhiều chi nhánh còn phải xin nới “room”. Đó là chưa kể đến số chi nhánh ngân hàng được mở trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Chỉ tính trong quý I/2019, đã có thêm 2 ngân hàng mở chi nhánh tại tỉnh.  

Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu khó khăn của giai đoạn 2 Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên không được giải quyết thì những tháng cuối năm, dư nợ cho vay của nhiều ngân hàng trên địa bàn sẽ giảm, thậm chí là giảm mạnh. Bởi đây không chỉ là khách hàng lớn của một số ngân hàng mà các đối tác, khách hàng của Công ty này cũng có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng khác nhau, vì thế việc bị ảnh hưởng dây truyền là điều khó tránh.

Ông Bùi Văn Khoa phân tích thêm, nếu trước đây, lợi nhuận của các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào dư nợ cho vay, thì nay, mảng dịch vụ như chuyển tiền, mở thẻ, bảo lãnh tín dụng… lại đang ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong nguồn thu lợi nhuận. Vì thế, đối với các ngân hàng, áp lực tăng dư nợ tín dụng không phải quá lớn mà điều cốt lõi cuối cùng là hiệu quả kinh doanh và chất lượng tín dụng. Đây cũng sẽ là áp lực đối với DN, nếu không chủ động tăng tính minh bạch trong báo cáo tài chính, hóa đơn… thì cho dù các ngân hàng có ì ạch trong tăng trưởng dư nợ cũng sẽ không coi DN dưới chuẩn là đối tác để hướng tới.