Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua người dân xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) đã không ngừng mở rộng diện tích chè, đưa các giống mới vào trồng nhằm nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập. Từ việc trồng chè, đời sống của người dân đã được nâng lên.
Trong cái nắng oi ả của những ngày hè, có dịp đi qua các xóm: Bãi Hu, Tân Ấp, Quân Cay, Phúc Tài… của xã Phúc Thuận, chúng tôi như cảm thấy dịu mát hơn bởi những vạt chè trải dài, xanh mướt mắt. Nói về quá trình phát triển cây chè tại xã Phúc Thuận, ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây chè được trồng trên đất Phúc Thuận từ rất lâu đời nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện nay, với diện tích trên 600ha chè, trong đó, trên 60% là chè cành với các giống: LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên… Phúc Thuận đã trở thành địa phương có diện tích chè lớn nhất Thị xã, sản lượng chè búp khô đạt khoảng 1.500 tấn/năm. Cùng với đó, Phúc Thuận có 10 làng nghề trồng và chế biến chè truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Nhờ đó, người trồng chè được tiếp cận với điều kiện tốt hơn về giống, khoa học kỹ thuật, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Là một trong những xóm có truyền thống làm chè, bình quân mỗi năm, xóm Tân Ấp 1 xuất ra thị trường hơn 100 tấn chè búp khô thành phẩm, cho thu nhập hơn 18 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Huy Sơn, Bí thư Chi bộ xóm Tân Ấp 1, hiện, toàn xóm có 196 hộ dân thì có gần 50 hộ làm chè với tổng diện tích trên 30ha. Chỉ tính trong năm 2018, toàn xóm trồng mới được 4ha chè cành, xây dựng được mô hình trồng 10ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, hơn 10 gia đình trong xóm cũng đã hình thành các xưởng sản xuất, kinh doanh và chế biến chè quy mô lớn, cho thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng chè, nhiều hộ dân trong xóm đã tận dụng soi bãi, chuyển đổi một số chân ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chè nhằm cải thiện thu nhập. Ông Nguyễn Trọng Phúc, người dân trong xóm cho biết: Năm 2017, gia đình tôi đã cải tạo hơn 3.000m2 vườn đồi sang trồng chè cành LDP1, đến nay, diện tích trên bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân mỗi lứa, năng suất đạt 180kg chè búp khô, với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập gần 40 triệu đồng.
Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính mà còn giúp người dân làm giàu, hằng năm, ngoài việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, xã Phúc Thuận cũng đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, người dân trong xã đã xây dựng thành công 4 mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 40ha tại xóm 7, Bãi Hu, Đức Phúc, Tân Ấp 1. Ông Ngô Văn Cường, chủ hộ sản xuất chè VietGAP điển hình ở xóm 7 cho biết: Nếu như trước đây, mỗi năm tôi chỉ thu hái được 6 lứa chè thì nay đã tăng lên 7-8 lứa. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, chất lượng chè đảm bảo hơn; giá bán 1kg chè khô cũng tăng từ 50-80 nghìn đồng. Một trong những thuận lợi của người trồng chè an toàn tại xã Phúc Thuận là được Công ty cổ phần trà Việt Thái (trụ sở tại xã Phúc Thuận) đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá 30-60 nghìn đồng/kg chè búp tươi và 90-250 nghìn đồng/kg chè búp khô. Cùng với đó, Công ty cũng thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở tư vấn, hướng dẫn người dân sản xuất chè VietGAP nên người dân yên tâm sản xuất.
Với việc không ngừng mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, nguồn thu từ cây chè liên tục tăng lên, góp phần nâng thu nhập của người dân trong xã. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2016. Trao đổi về hướng phát triển cây chè trong thời gian tới, ông Ôn Văn Huân cho biết thêm: Xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng chè trung du hoặc các cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè cành, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích chè VietGAP để nâng cao năng suất, sản lượng chè, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.