Manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng khoa học kỹ thuật... là những rào cản chủ yếu khiến nhiều hộ làm chè chưa thu được hiệu quả kinh tế cao. Nhằm khắc phục tình trạng đó, không ít mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đã được hình thành tại các vùng chè nguyên liệu của tỉnh. Từ đây, nhiều hộ dân đã liên kết lại với nhau, cùng giúp nhau về vốn, kiến thức, ngày công… để sản xuất và chế biến chè an toàn, qua đó, dần xóa bỏ tư duy mạnh ai nấy làm, tạo liên kết bền vững cho người làm chè.
Bà Tống Thị Xuyến, Tổ trưởng THT chè an toàn, ở xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) cho biết: Năm 2016, tôi cùng 32 hộ dân liên kết thành lập THT làm chè VietGAP. Tham gia tổ, mọi người cùng nhau trao đổi, giúp nhau kinh nghiệm sản xuất. Chúng tôi làm đổi công, hoặc làm giúp nhau nên chè luôn được hái đúng thời điểm, không bị quá lứa. Còn bà La Thị Tâm, Giám đốc HTX chè an toàn Sơn Thành, xã Phú Lạc (Đại Từ) thì cho biết: Tôi thấy kinh doanh tập thể tốt hơn nhiều so với cá thể, nhất là trong kinh doanh, mở rộng thị trường. HTX có tư cách pháp nhân nên có thể ký được những hợp đồng lớn.
Một lý do khác khiến nhiều người mong muốn liên kết sản xuất là bởi người dân sẽ có điều kiện để áp dụng các quy trình sản xuất chè mới, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, ngày càng nhiều HTX, THT áp dụng quy trình sản xuất chè VietGAP, đơn cử như HTX chè Hảo Đạt (T.P Thái Nguyên), HTX chè Khe Cốc (Phú Lương), HTX chè Nhất Thiên Hương (Đồng Hỷ)… hay quy trình UTZ như HTX chè Tân Hương. “Nếu chỉ một nhà thực hiện chăm sóc chè an toàn, trong khi các nhà xung quanh không thực hiện thì rất khó, trước hết là môi trường không đảm bảo. Bởi lẽ các loại thuốc hóa học rất dễ phát tán qua không khí bay sang các vườn chè lân cận, gây ảnh hưởng tới chất lượng chè. Với vùng nguyên liệu rộng 50ha, từ năm 2017, chúng tôi đã thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất vì thế cũng cao hơn so với phương pháp thông thường từ 14-16%.” - bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) chia sẻ.
Cùng với đó, qua việc liên kết, các HTX, THT có điều kiện thuận lợi hơn trong đầu tư hệ thống tưới, cũng như các thiết bị hiện đại trong chế biến chè. Chị Phạm Thùy An, thành viên HTX chè Trung du Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi có 8.000m2 chè, trong đó 80% diện tích được lắp đặt hệ thống tưới tự động để đảm bảo độ ẩm cho cây chè, 100% diện tích được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư tôn sao, máy vò chè bằng inox, máy sấy chè trong chế biến, nhờ vậy, giá trị kinh tế được nâng lên đáng kể.
Nhằm nâng cao giá trị cho cây chè, bên cạnh chè búp khô, nhiều THT, HTX còn mạnh dạn sản xuất các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm có nguồn gốc từ cây chè như: Bánh phu thê, matcha, kẹo trà xanh, cao đắp mặt trà xanh… Chị Lê Thị Minh, Tổ trưởng THT Minh Điệp, ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Ngoài sản xuất chè búp khô các loại, chúng tôi còn có sản phẩm bột trà xanh nguyên chất. Tuy mới đi vào sản xuất, song sản phẩm của THT đã được nhiều khách hàng xa gần đón nhận. Trung bình mỗi tháng chúng tôi sản xuất được khoảng 1 tạ matcha, với giá bán trung bình là 250 nghìn đồng/kg.
Qua quá trình phát triển và kết quả thực tế đã kiểm chứng, mô hình HTX, THT chè là hình thức tổ chức tập thể đã và đang phát huy hiệu quả trong nông nghiệp nông thôn nói chung và trong các vùng chè nói riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 60 HTX cùng hàng trăm THT chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, đó là chưa kể một số HTX phát triển đa ngành nghề, trong đó có sản xuất chè. Trung bình mỗi năm, HTX chè chiếm khoảng 15% trong tổng số các HTX thành lập mới.
Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Những năm qua, giá trị sản phẩm chè của người dân trong các THT, HTX ngày càng được nâng cao so với trước đây (khoảng 20-30%), nguyên do là người dân đã biết gia tăng giá trị ở các khâu, tích cực liên kết với nhau để hình thành nên các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đa dạng mẫu mã và danh mục sản phẩm; sự liên kết giữa các thành viên với HTX, giữa HTX với HTX ngày càng gắn bó; nhiều HTX đã bước đầu xây dựng được thương hiệu, xuất bán sản phẩm rộng rãi trong và ngoài nước… Tuy vậy, bên cạnh đó, vẫn còn một số HTX hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Nhằm thúc đẩy các HTX, THT phát triển, thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các HTX, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc, chế biến, sản xuất chè an toàn; hỗ trợ vay vốn; thực hiện đề án hỗ trợ nguồn nhân lực cho các HTX; kết hợp giữa sản xuất của HTX với làm du lịch tại các vùng chè đặc sản của tỉnh…