Định hướng đúng để đưa hợp tác xã phát triển

10:34, 12/07/2019

“Liên kết các thành viên lại với nhau, tạo thành vùng nguyên liệu, từ đó có đầu ra ổn định”, đó là cách làm của ông Đỗ Quốc Bình (sinh năm 1970), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản Lương Sơn, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) để đưa HTX phát triển.

Sau khi học xong ngành Đúc, Trường Trung cấp Luyện kim (nay là Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim) vào năm 1991, chàng thanh niên Đỗ Quốc Bình đã làm nhiều nghề để kiếm tiền, trang trải cuộc sống. Năm 2013, qua tìm hiểu và biết đến mô hình nuôi thỏ, anh Bình đã tham gia các hội thảo ở Hà Nội về chăn nuôi, đồng thời tìm hiểu một số mô hình chăn nuôi thỏ hiệu quả tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn… Lúc đầu, do chưa có vốn kiến thức về cách phòng và chữa bệnh cho loại vật nuôi hoàn toàn mới này, 30 con thỏ cái đầu tiên bị dịch bại huyết và chết. Không nản chí trước thất bại, anh lại đi đến các trại nuôi thỏ ở Sơn Tây (Hà Tây cũ) để học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau đó, anh đã nuôi trở lại 100 thỏ cái, cùng với đó, anh đã liên kết 7 hộ dân nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh để thành lập HTX Nông sản Lương Sơn vào năm 2014 vì anh cho rằng: “Làm bất cứ việc gì thì đầu ra cho sản phẩm là rất quan trọng. Muốn có đầu ra ổn định, mọi người phải liên kết với nhau, tạo vùng nguyên liệu thì mới phát triển được”.

Sau khi thành lập HTX, anh Bình đã tích cực liên kết, quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên về kỹ thuật nuôi thỏ để đạt tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ nỗ lực của anh Bình, tháng 9-2016, Công ty Nippon Zoki Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản) đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm thỏ của HTX. Anh Bình cho biết: Chúng tôi xác định phải thực hiện theo đúng những tiêu chí mà đối tác yêu cầu trong hợp đồng mới xây dựng được uy tín, thương hiệu của HTX. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn, chăm sóc thỏ theo yêu cầu của Công ty, đồng thời luôn đảm bảo sản lượng thỏ cung cấp theo đơn đặt hàng.

Anh Bùi Ngọc Toàn, ở xã Yên Trạch (Phú Lương), thành viên của HTX cho biết: Tôi tham gia vào HTX Nông sản Lương Sơn năm 2016. Khi đó, do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi thỏ, tôi đã được anh Bình hướng dẫn nhiệt tình từ cách nuôi thỏ mẹ, tiêm phòng vắc xin cho đến những bệnh thường gặp ở thỏ, đến nay việc nuôi thỏ với tôi trở nên dễ dàng hơn. Về đầu ra, tôi được HTX bao tiêu sản phẩm ổn định hằng tháng từ 150-200 con nên tôi thấy rất yên tâm.

Đến nay, sau hơn 5 năm hoạt động, HTX đã có 42 thành viên, chuyên nuôi giống thỏ Newzealand. Nhờ liên kết hiệu quả, đầu ra tiêu thụ thuận lợi, sản lượng thỏ xuất ra của HTX Nông sản Lương Sơn năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng năm 2018, HTX xuất bán khoảng 36.500 con thỏ (cao hơn năm 2017 gần 20.000 con), đạt doanh thu 6,2 tỷ đồng (tăng 3 tỷ đồng so với năm 2017), trừ chi phí HTX lãi hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, HTX còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp nhiều trại nuôi thỏ ở các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Tuyên Quang…

Nói về những dự định trong thời gian tới, anh Bình cho biết thêm: HTX sẽ tiếp tục tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác. Để làm được điều này, chúng tôi đang khuyến khích các thành viên mở rộng quy mô chăn nuôi, thực hiện đúng quy trình sản xuất theo cam kết. Riêng với gia đình tôi, song song với việc nuôi khoảng 3.000 con thỏ, tôi sẽ tận dụng phân của thỏ để nuôi giun, làm thức ăn cho gà, cá và làm phân bón cho 1.500 cây hoa hồng vừa xuống giống nhằm đa dạng hóa hơn sản phẩm cung cấp ra thị trường.