Khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Phú Lương

10:52, 19/07/2019

Xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân là một trong những nhiệm vụ cần quan tâm, thời gian qua, huyện Phú Lương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung thực hiện. Thế nhưng, thời điểm này quá trình thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến trong quá trình cấp GCNQSDĐ lần đầu cho người dân ở huyện Phú Lương là trong quá trình kê khai cấp GCNQSDĐ, cơ quan chuyên môn phải đối chiếu từ 3 loại bản đồ và tất cả các loại tài liệu khác như: đất tổ chức, đất rừng, đất quốc phòng… xem đất được cấp GCNQSDĐ chưa nên mất nhiều thời gian. Nếu có thửa chồng lấn, không xác định được ranh giới giữa chủ này với chủ kia, chồng chéo với những phần đất đã cấp GCNQSDĐ theo hệ thống bản đồ cũ thì không được cấp GCNQSDĐ mới. Trong khi đó người dân cứ nghĩ đo bản đồ mới là được cấp GCNQSDĐ nên thấy lâu chưa được nhận GCNQSDĐ thì ý kiến bức xúc. Đây là khó khăn không dễ tháo gỡ, cần sự phối hợp với đơn vị tư vấn để điều chỉnh, lọc những diện tích đã cấp sai cho người khác, hủy GCNQSDĐ thời điểm đó để cấp GCNQSDĐ mới lần đầu.

Khó khăn thứ hai là từ phía người dân: Theo quy định của Nhà nước, đối với những trường hợp sử dụng đất ở trước ngày 15/10/1993, nếu được UBND xã xác định sử dụng ổn định, không tranh chấp sẽ được cấp GCNQSDĐ và không phải thu tiền. Nhưng nhiều trường hợp khi đối chiếu với các loại tài liệu, hệ thống bản đồ trước đây thì xác định là đất nông nghiệp, không phải đất ở, nếu cấp GCNQSDĐ mới thì phải nộp 50% giá trị thửa đất. Trường hợp này khá nhiều và đang vướng mắc ở xã Tức Tranh và xã Phú Đô, chủ các thửa đất không đủ năng lực tài chính nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Bà Đào Thị Quỳnh Trâm, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Lương cho biết: Vấn đề này chúng tôi đã xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Một nguyên nhân nữa khiến việc cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các hộ dân bị chậm là do cán bộ địa chính và Chủ tịch UBND cấp xã chưa nêu cao trách nhiệm trong việc xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất. Không ít trường hợp cán bộ địa chính xã chưa nghiên cứu kỹ nên bị động trong thiết lập hồ sơ, hướng dẫn người dân làm sơ sài, sau khi soát lại, cán bộ ở Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện thấy không đạt yêu cầu đã trả lại, ghi rõ sai ở đâu, cần bổ sung những gì. Riêng 6 tháng đầu năm nay, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện đã trả lại 93 hồ sơ chưa đủ điều kiện, trong đó nhiều hồ sơ thiếu các thủ tục từ UBND xã.

Theo ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện: Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 hoàn thành kế hoạch cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân, bởi thế thời gian tới UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường trách nhiệm về nội dung này. Đối với những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc UBND huyện sẽ tích cực tuyên truyền tới người dân nâng cao trách nhiệm trong việc đăng ký, kê khai, cung cấp hồ sơ liên quan để phối hợp giải quyết. Đồng thời chỉ đạo chính quyền cấp xã tăng cường trách nhiệm trong xác định nguồn gốc đất đai; giải quyết được những phát sinh trong vấn đề tranh chấp đất đai ngay từ cơ sở. Đối với các phòng, ban chuyên môn tiếp tục tăng cường cán bộ cho công tác này. Bên cạnh đó, huyện cũng định kỳ tổ chức giao ban, kiểm tra kiểm điểm tiến độ thực hiện, nhắc nhở chấn chỉnh kịp thời những xã làm sai sót, làm chậm.