Tuy thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, nhưng người dân xóm Hồng Cóc, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) không mang tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà luôn phát huy nội lực trong xây dựng cơ sở hạ tầng; cùng đồng thuận, góp sức làm đổi thay diện mạo quê hương. Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã tự hào khi chia sẻ với chúng tôi về xóm Hồng Cóc.
Xóm Hồng Cóc có 78 hộ, 296 nhân khẩu, người dân tộc Sán Dìu chiếm trên 90%. Ít năm trước, nhắc đến Hồng Cóc, cán bộ, nhân dân trong Thị xã đều nghĩ ngay đến đây là vùng đất nghèo, hằng năm người dân đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ của Nhà nước. Cả như gần đây, 100% số hộ ở Hồng Cóc được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế; trẻ em đi học mẫu giáo được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/em tiền ăn trưa; con em theo học lên PTTH được hỗ trợ 60 kg gạo, 2,5 triệu đồng/học sinh/học kỳ; một số hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tư liệu sản xuất như: Máy vò chè, máy sao, xấy chè và máy bơm nước.
Bà Đặng Thị Thúy, Trưởng xóm, kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận chia sẻ: Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho Hồng Cóc rất nhiều, nhưng chúng tôi không trông chờ, ỷ lại, luôn vận động nhau khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện trong xóm có 40% số hộ có tích lũy từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Năm 2018, xóm có 4 hộ thoát nghèo, hiện còn 3 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Các hộ nghèo, cận nghèo đều rơi vào hoàn cảnh do cao tuổi, sống độc thận hoặc do bị khuyết tật.
Bà Trần Thị Lượng, người dân ở xóm cho biết: Gia đình tôi là 1 trong số 4 hộ được xóa tên trong danh sách hộ nghèo năm 2019. Được như thế là nhờ có sự quan tâm, chia sẻ giúp đỡ của bà con chòm xóm về kinh nghiệm sản xuất, về định hướng phát triển kinh tế gia đình, về vốn vay không tính lãi để mua giống lúa, phân bón. Sự bao bọc của tình làng, nghĩa xóm tạo không khí ấm áp, thúc đẩy gia đình tôi cũng như các hộ nghèo khác vươn lên trong cuộc sống. Còn bà Liễu Thị Ba cho biết: Gia đình tôi có 4 sào đất chè, 6 sào đất cấy lúa 2 vụ. Do chăm chỉ làm lụng nên chưa bao giờ gia đình tôi có tên trong danh sách hộ nghèo. Có mặt ở đó, bà Nguyễn Thị Châm, Chi hội Trưởng phụ nữ cho biết: Thu nhập của người dân chủ yếu trông vào làm chè, cấy lúa và chăn lợn, gà. Ví như gia đình tôi làm 6 sào lúa, 2 sào chè và chăn nuôi thường xuyên 1.000 con gà thả đồi. Thóc lúa làm được vừa đủ ăn, còn chè và gà mỗi năm bán được hơn 100 triệu đồng đã trừ chi phí.
Ít năm trước đây, Hồng Cóc không chỉ là xóm thuộc vùng 135, mà còn thuộc diện xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh. Nhưng nay đã hoàn toàn khác, nhiều hộ có tiền xây được nhà kiên cố theo mẫu thiết kế hiện đại. Trong nhà có ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ… mức sống của người dân ngày một tăng cao, thu nhập bình quân đạt từ gần 35 triệu đồng/người/năm 2017, tăng lên hơn 37 triệu đồng/người/năm 2018… Từ nhiều năm gần đây, người dân xóm Hồng Cóc tích cực vận động nhau bài trừ một số phong tục, tập quán lạc hậu. Không tảo hôn, không ma to, cưới lớn và không còn lệ “trả nợ miệng”. Bà con tích cực hưởng ứng Phong trào xây dựng gia đình văn hoá và tham gia Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Hồng Cóc đã có đường bê tông chạy dọc xóm; có nhà văn hoá làm nơi cho nhân dân hội họp; xóm có hơn 83% số hộ đạt gia đình văn hoá. Năm 2018 xóm đạt chuẩn nông thôn mới và đang đề nghị Chính phủ xóa tên Hồng Cóc trong danh sách xóm đặc biệt khó khăn thuộc vùng 135 của cả nước.
Không còn là vùng đặc biệt khó khăn - một hiện thực các thế hệ người dân Hồng Cóc kiên nhẫn tạo dựng bằng chính sự đồng thuận. Ví như việc xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, khi ban xây dựng xóm phát động, 100% số hộ dân “lập tức” ủng hộ. Chúng tôi biết: Đời sống của người dân Hồng Cóc còn chưa hết khó khăn, nhưng từng nhà đều quyết tâm hướng tới múc đích chung là… “rút ngắn khoảng cách” về đời sống vật chất, tinh thần với trung tâm xã và Thị xã. Nhưng để có tuyến đường bê tông xóm rộng rãi như hôm nay, các hộ 2 bên đường tự phá bỏ bờ rào, tài sản trên đất và cùng lùi lại 50cm, tổng số đất được hiến gần 1.000m2; Việc làm đường bê tông, nhân dân tham gia đối ứng 30%. Riêng đoạn ngầm tràn dài 40m, rộng 4m, nhân dân tự đóng góp 100% số tiền để làm bê tông chắc chắn. Bà Chu Thị Lý kể: Trước đây, đường của xóm đi lại bằng xe đạp còn khó, bây giờ thì xe ô tô, xe máy bon bon ra vào, thời gian từ xóm ra xã bằng non nửa so với ngày cách đây hơn 1 năm trước.
Hơn 1 năm nay, kể từ ngày Nhà văn hoá xóm được xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng, xóm có điều kiện tổ chức cho người dân tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Nhất là khi được nghe bà con người Sán Dìu trao đổi về kỹ thuật sản xuất chè an toàn, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa… Tôi thấy mình được lây niềm vui của những chủ nhân nơi vùng đất đang từng ngày khởi sắc.