Sau 9 năm hình thành và phát triển, từ một công ty khai thác khoáng sản, Masan Resources (MSR) đang từng bước thực hiện bước đột phá - đưa nguồn tài nguyên chiến lược Việt Nam trở thành vật liệu công nghệ cao toàn cầu. Với lợi thế là nhà sản xuất APT lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, nhà sản xuất Flourit lớn thứ hai thế giới, Masan Tài nguyên đã vạch rõ lộ trình để nâng cao khả năng cạnh tranh và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thế giới trong những năm tới.
Đại diện lãnh đạo Masan Resources nhận giải thưởng Top 50 nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam.
Mục tiêu của Công ty trong 2 năm tới: Mở rộng thị phần APT của Công ty từ 36% lên 50% hoặc lớn hơn bằng cách tăng công suất của Nhà máy Hóa chất Vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2021; củng cố nguồn cung nguyên liệu Vonfram và khả năng tái chế Vonfram để đảm bảo việc cung ứng bền vững; trở thành nhà sản xuất vật liệu công nghiệp toàn cầu vào năm 2020. Các dòng sản phẩm của MSR là những thành tố then chốt trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu, tích hợp vào những cải tiến đang diễn ra trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, in 3D, khoa học người máy, ô tô điện, năng lượng tái tạo, y khoa và hàng không vũ trụ… Với các ứng dụng trên, các sản phẩm Cu/ Bi/ WO3/ CaF2 của Masan Resources đang có mặt trong hầu hết các ứng dụng/sản phẩm công nghiệp hiện đại, gián tiếp phục vụ đến 5 tỷ dân toàn cầu.
Các khu vực sản xuất, khu vực điều hành sản xuất của Công ty đều được đầu tư công nghệ hiện đại.
Năm 2018, Masan Tài nguyên mua lại 49% cổ phần của Nhà máy chế biến hóa chất Vonfram của đối tác liên doanh Công ty H.C.Starck GmBH để sở hữu 100% Nhà máy chế biến hóa chất Vonfram và đặt tên nhãn hiệu sản phẩm là Vonfram Masan. Cùng với sự thay đổi này, cũng trong 2018, MSR đã gia tăng việc chế biến nguyên liệu Vonfram thô mua từ bên ngoài lên đến 350%, đạt 937 tấn WO3. Đây là những khởi đầu thành công cho việc hiện thực hóa tầm nhìn của MSR “trở thành nhà cung cấp vật liệu cao toàn cầu vào năm 2020”.
Cán bộ y tế Masan Resources hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người dân xã Ký Phú (Đại Từ).
Nói về những đóng góp của Masan Resources đối với địa phương, ông Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ chia sẻ: “Trong suốt thời gian qua, Masan Resources đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương rõ nét.”
* Từ năm 2016-2018, MSR đóng góp 3.200 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước; * Mỗi năm, đóng góp 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh; * Hằng năm, đóng góp trên 5 tỷ đồng cho các hoạt động về môi trường, kinh tế, xã hội; * Năm 2018, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Masan Resources) đã vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; được bình chọn “Top 100 Doanh nghiệp phát triển bền vững” và Top 100 Doanh nghiệp Sao Vàng Đất Việt”. |