Giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý, bảo vệ, sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, huyện Phú Bình đã thực hiện hiệu quả chính sách này, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tạo công ăn việc làm, sinh kế, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Huyện Phú Bình không có rừng tự nhiên. Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, trong giai đoạn 1999-2000, UBND huyện đã lập hồ sơ, giao trên 6.000ha rừng cho các gia đình và tổ chức quản lý, sử dụng. Từ khi được giao rừng, người dân trên địa bàn huyện đã chú trọng nhiều hơn đến công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng. Ông Đặng Văn Hồng, xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh, cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào 2 mẫu ruộng, chỉ đủ chi tiêu tằn tiện. Năm 2002, gia đình tôi được giao quản lý 10ha đất lâm nghiệp để trồng keo. Đến năm 2011, rừng keo cho thu hoạch, gia đình tôi thu về trên 600 triệu đồng. Từ số tiền này và vay thêm ngân hàng, gia đình tôi mở cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản chuyên bóc gỗ, sản xuất ván ép. Đến nay, nhà xưởng được mở rộng trên 7.000m2, gồm: 2 máy bóc gỗ và 2 máy ép gỗ, trị giá hàng tỷ đồng, cung ứng ra thị trường khoảng 500m3 gỗ bóc, ván ép mỗi tháng. Hiện, cơ sở chế biến lâm sản của gia đình đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động, với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/tháng.
Không chỉ người dân xã Tân Khánh, người dân thuộc địa bàn các xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn, như: Tân Thành, Tân Kim, Tân Hòa, Bảo Lý, Bàn Đạt… cũng được hưởng lợi từ chính sách này. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch xã Tân Hòa cho biết: Hiện có hàng trăm hộ dân của xã Tân Hòa đang tham gia trồng rừng với diện tích gần 700ha (mỗi hộ từ 1-3ha). Từ đầu năm đến nay, diện tích rừng trồng mới của xã là 54,1ha. Trong đó, 30ha rừng được trồng theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, diện tích còn lại các hộ dân tự bỏ vốn ra để trồng. Qua đó, 100% diện tích đất lâm nghiệp của xã đều đã được phủ xanh, sau khi khai thác rừng, người dân lập tức trồng lại nên không có đồi trống, rừng trọc. Trong vài năm trở lại đây, hiệu quả từ việc trồng rừng đã giúp rất nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, có nguồn thu lớn từ rừng để đầu tư mua máy móc phục vụ nông nghiệp, mở rộng chăn nuôi…
Theo ông Hoàng Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình: Trong những năm qua, mỗi năm, huyện trồng từ 300-500ha rừng. Tính riêng đầu năm đến nay, toàn huyện trồng mới trên 265,3ha rừng, trong đó: 130ha rừng trồng theo dự án; nhân dân tự bỏ vốn trồng 90,3ha; trồng cây phân tán 45ha. Ngoài việc nhận hỗ trợ trồng rừng từ dự án, số lượng rừng tự trồng của người dân cũng ngày một nhiều hơn. Cũng nhờ chính sách giao đất, giao rừng mà công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn luôn được đảm bảo. Những năm gần đây, huyện Phú Bình không xảy ra hỏa hoạn, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép… Để người dân trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng trồng rừng, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua đó, với cùng 1 diện tích, so với 5-7 năm trước, hiệu quả kinh tế từ khai thác rừng tăng cao, thời gian sinh trưởng trong một chu kỳ của cây cũng rút ngắn từ 1-1,5 năm.