Xung quanh việc tăng, giảm dư nợ tín dụng

08:57, 09/08/2019

Trong khi tính đến hết tháng 5, tăng trưởng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh mới đạt 2,22% so với cuối năm 2018 (toàn ngành đạt 5,21%), thì đến cuối tháng 6, mức tăng này đã đạt 5,85%. Tuy nhiên, ngay trong tháng 7, tín dụng một số chi nhánh ngân hàng (NH) lại có xu hướng giảm. Vậy đâu là nguyên nhân và liệu mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng khoảng 14% trong năm nay có đạt kế hoạch?

Phân tích về kết quả dư nợ tín dụng tháng 6, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Sở dĩ trong tháng 6, dư nợ tín dụng tăng mạnh là bởi một số NH giải ngân được nguồn vốn mới cho doanh nghiệp (DN). Trong đó đáng chú ý có 1 NH thương mại cổ phẩn (TMCP) tăng trưởng dư nợ lên tới 644 tỷ đồng so với tháng 5; 2 NH tăng hơn 200 tỷ và một số NH tăng 50-100 tỷ đồng. Ngược lại, có số ít NH tiếp tục đà giảm do khách hàng trả vào mà chưa có nhu cầu vay lại. Ông Bùi Văn Khoa phân tích thêm: Mặc dù trong tháng 6, dư nợ tăng mạnh so với 5 tháng nhưng so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng này vẫn thấp hơn 0,74% và so với toàn ngành thấp hơn 1,75%. Và tuy chưa có kết quả báo cáo chính thức từ các NH trên địa bàn, nhưng qua nắm bắt tình hình, trong tháng 7, một số NH có dư nợ tín dụng lớn đã giảm nhẹ. Dự báo, trong những tháng tiếp theo, mức tăng trưởng này cao nhất cũng chỉ như 6 tháng đầu năm vì nhu cầu của thị trường chưa thấy có dấu hiệu của sự tăng trưởng đột biến.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng trên địa bàn những tháng qua tăng trưởng thấp, trong khi trước đó, Thái Nguyên luôn nằm trong tốp các tỉnh đạt mức tăng cao so với toàn ngành? Theo đại diện lãnh đạo một số NH thương mại trên địa bàn, có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do nhu cầu vốn của những DN có đủ điều kiện để được vay vốn NH không cao, do các DN này ít có nhu cầu mở rộng quy mô. Còn với những DN không đủ điều kiện - những DN dưới chuẩn theo quy định của NH hoặc DN hoạt động trong lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản thì nhu cầu vay vẫn rất lớn, nhưng lại không thể tiếp cận được với nguồn vốn này. Trong 6 tháng đầu năm, trong khi toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 375 DN thì lại có đến 432 DN tạm ngừng hoạt động, đóng mã số thuế. Thứ hai là một số NH đang trong quá trình tái cơ cấu nên tập trung vào việc điều chỉnh các khoản vay để giảm thiểu rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, thay vì chú trọng tăng dư nợ. Chính vì thế, trong tháng 7 vừa qua, nhiều NH mặc dù không tăng lãi suất huy động đầu vào, thậm chí còn thực hiện giảm lãi suất từ 0,5-1%/năm từ ngày 1-8 đối với những lĩnh vực và đối tượng ưu tiên, nhưng ở một số chương trình cho vay, có NH lại điều chỉnh tăng tới 1%/năm.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác cũng tác động không nhỏ đến mức tăng trưởng dư nợ tín dụng những tháng qua, đó là sự biến động về giá thịt lợn suốt hơn 2 năm qua, nhất là từ quý II/2019 trở lại đây, lại thêm sự xuất hiện của dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều hộ bỏ trống chuồng do không muốn/không dám/không đủ khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay NH. Đó là chưa kể đến việc lao động trong nông nghiệp, nông thôn những năm qua có xu thế giảm, do một lượng lớn người trong độ tuổi lao động chuyển sang làm công nhân tại các khu công nghiệp hoặc kinh doanh, buôn bán. Trong khi đó, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lâu nay vẫn chiếm khoảng 27-28% tổng dư nợ. Riêng chăn nuôi lợn chiếm khoảng 5%. Trong khi đó, đối với các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, do phần lớn mới ở bước đầu triển khai nên chưa có nhu cầu hoặc có nhu cầu nhưng chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn.

Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên - đơn vị chiếm tới 18% thị phần cho vay toàn tỉnh chia sẻ: Mặc dù dư nợ tăng cao trong tháng 6 nhưng chủ yếu mang tính thời điểm, ít mang tính bền vững. Nguồn vốn cho vay ra chủ yếu vẫn tập trung ở khách hàng cũ, do nhu cầu vay để thanh toán các khoản vay cuối quý; rất ít nguồn vốn được cho vay đối với khách hàng mới. Chỉ tính riêng trong tháng 6, dư nợ cho vay của Chi nhánh đã tăng thêm hơn 200 tỷ đồng (gần bằng cả 5 tháng trước đó cộng lại), nâng mức tăng trưởng dư nợ tín dụng lên 4,5%. Nhưng đến cuối tháng 7, dư nợ này lại giảm hơn 80 tỷ đồng, khiến tăng trưởng dư nợ giảm còn 3,7% (so với cuối năm 2018). Trong khi phần lớn DN nội vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay NH thì việc dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng thấp phần nào cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của DN hiện gặp phải những khó khăn nhất định.

Ở góc độ khác, trong khi khối 4 NH quốc doanh (gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank), với 7 chi nhánh, chiếm tỷ trọng 71% tổng dư nợ trên địa bàn, trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,55% so với cuối năm 2018, thì khối NHTMCP khác và NH nước ngoài (gồm 20 chi nhánh) chiếm hơn 22,4% tổng dư nợ trên địa bàn, lại tăng tới 14,3% (không tính NH Chính sách xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân). Sở dĩ có sự chênh lệch khá lớn về tốc độ tăng trưởng dư nợ là bởi để tăng được 1% đối với các NH quốc doanh là điều không dễ do số dư nợ tuyệt đối lớn, trong khi các NHTMCP thì dễ dàng hơn. Ngoài ra, còn một lý do quan trọng khác đó là sự năng động, cởi mở trong việc tiếp cận khách hàng của các NH nhỏ đang ngày càng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đi kèm với đó, theo các chuyên gia kinh tế, cũng tiềm ẩn những rủi ro, bởi việc thẩm định, đánh giá khách hàng để thực hiện việc cho vay của các NH này nhìn chung dễ dàng hơn so với các NH lớn.

Có thể nói, việc tăng trưởng dư nợ tín dụng cao, thấp trong một khoảng thời gian nhất định chưa phản ánh được đầy đủ bức tranh chung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, qua đây cũng phần nào cho thấy “sức khỏe” của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của mỗi tổ chức, cá nhân cũng như sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành trong việc giúp DN mở rộng quy mô, hoàn chỉnh các thủ tục liên quan để dự án sớm được triển khai. Cùng với đó, bản thân mỗi DN cũng cần phải nỗ lực nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng hoạt động để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của NH. Chỉ khi dư nợ tín dụng được “đổ” vào sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, hợp lý thì khi đó, giá trị gia tăng của nền kinh tế mới đạt được mong muốn, từ đó góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đề ra.