Cảnh giác trước tình trạng trộm cắp dữ liệu thẻ ATM

09:50, 09/09/2019

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ đối tượng sử dụng công nghệ cao trộm cắp dữ liệu thẻ ngân hàng (skimming) của khách hàng tại các máy rút tiền tự động (ATM) của một số ngân hàng, với tổng số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng. Trước thực trạng này, ngoài biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn từ phía các ngân hàng, ngành Công an khuyến cáo các chủ thẻ cần phải nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.

Theo Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng phạm tội này sử dụng ngày càng tinh vi. Bộ thiết bị được các đối tượng sử dụng để sao chép, đánh cắp dữ liệu thẻ có tên là skimmer, gồm 2 thành phần chính: Thành phần đánh cắp dữ liệu (dải băng từ) trên thẻ ATM và thành phần đánh cắp mã số định danh cá nhân (mật khẩu, mã pin).

Theo đó, thành phần đánh cắp dữ liệu là một thiết bị nhỏ, được gắn tại khe đọc thẻ của máy ATM. Khi máy ATM bị gắn thiết bị, thẻ thanh toán sẽ đi qua thiết bị sao chép trước khi được đẩy vào máy ATM, dẫn tới việc dữ liệu trên dải từ của thẻ ATM bị sao chép. Các thiết bị skimming rất nhỏ, có thể gắn bên ngoài khe đọc thẻ hoặc lắp đặt vào bên trong khe đọc thẻ của máy ATM, nên khách hàng vẫn thực hiện giao dịch bình thường.

Thành phần để đánh cắp mã pin (mật khẩu) thường có 2 loại: Một là camera nhỏ được gắn ở vị trí có thể ghi hình các thao tác trên bàn phím của máy ATM. Vị trí được gắn camera thường phía trên màn hình hoặc ngay phía trên/cạnh bàn phím. Khi khách hàng thực hiện giao dịch, toàn bộ thao tác trên bàn phím ATM (bao gồm cả thao tác nhập mã pin) đều bị camera quay lại. Hai là bàn phím giả được gắn tinh vi trên bàn phím thật của máy ATM, khi khách hàng thao tác sẽ bị ghi lại và chuyển tác động gõ xuống bàn phím thật bên dưới. Thiết bị này thường chỉ gắn trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ được các đối tượng thu hồi. Khi đã có dữ liệu, các đối tượng làm thẻ giả để rút tiền trái phép từ tài khoản của nạn nhân tại nhiều máy ATM, thậm chí ở nước ngoài.

Trước thực trạng này, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro cho chính mình và khách hàng. Đồng thời, liên tục đưa ra những khuyến cáo để khách hàng nâng cao ý thức cảnh giác trong quá trình sử dụng thẻ ATM. Là một trong những ngân hàng có khách hàng bị đánh cắp tiền trong tài khoản hồi đầu năm 2018, theo ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên: Toàn bộ máy ATM của Chi nhánh đều được lắp đặt thêm thiết bị che bàn phím. Cùng với đó, Chi nhánh cũng chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát camera an ninh; thực hiện ghi chép nhật ký kiểm tra máy ATM đầy đủ… để kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng bất thường. Ngoài ra, Chi nhánh cũng thường xuyên khuyến cáo đến khách hàng thực hiện tốt việc bảo mật thông tin của thẻ bằng cách: Không nhờ người khác rút hộ tiền; không dùng thẻ ATM để thế chấp cầm đồ; không đặt mật khẩu bằng những dãy số dễ nhớ… Trong trường hợp bị lộ mật khẩu, cần kịp thời đổi lại.

Còn theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) Chi nhánh Thái Nguyên: Mặc dù Chi nhánh chưa có khách hàng nào bị đánh cắp tiền từ tài khoản ATM nhưng trước việc nhiều ngân hàng bị loại tội phạm này tấn công, Chi nhánh cũng đã chủ động bố trí thêm nhân lực để thực hiện việc giám sát qua camera và kiểm tra trực tiếp tại các cây ATM, nhất là trong thời gian ít người giao dịch. Trong trường hợp thẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị đánh cắp thông tin, lập tức sẽ được thay đổi trạng thái. Lúc này, người dùng được yêu cầu đổi lại mã pin thì mới có thể tiếp tục giao dịch. Mới đây, Vietinbank cũng đã giảm hạn mức giao dịch của chủ thẻ trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến 5 giờ nhằm hạn chế tối đa những rủi ro cho chủ thẻ. Khách hàng nên tham gia mua bảo hiểm cho thẻ ATM, với mức phí 2,2 nghìn đồng/thẻ/tháng để trong trường hợp xảy ra rủi ro, khách hàng được đảm bảo các quyền lợi.

Chia sẻ thêm thông tin về nội dung này, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Trong tháng 7 vừa qua, 1 cây ATM của Chi nhánh cũng đã bị đối tượng xấu đặt thiết bị để sao chép dữ liệu của khách. Qua kiểm tra cho thấy, thời gian các đối tượng lắp đặt thiết bị là vào giữa trưa và đến tối cùng ngày thì tháo dỡ. Đã có trên 100 lượt khách hàng thực hiện giao dịch tại cây ATM này trong khoảng thời gian trên, vì thế, chúng tôi đã khóa toàn bộ số thẻ đó để đề nghị khách hàng đổi mã pin. Các đối tượng thường lắp đặt thiết bị tại các cây ATM có lượng người giao dịch lớn. Sau khi sao chép được dữ liệu, chúng không thực hiện việc lấy cắp trong tài khoản ngay, mà chờ thời cơ thích hợp. Do chúng có thể thực hiện việc rút tiền từ các cây ATM khác nhau nên việc xác định khách hàng bị lấy trộm thông tin vào thời điểm nào, ở đâu là rất khó. Vì thế, một trong những cách để phòng vệ tốt nhất là chủ thẻ nên thường xuyên thay đổi mã pin.