Minh Đức là xã miền núi, nằm ở phía Tây của T.X Phổ Yên, có 7 dân tộc anh em sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Minh Đức đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, diện mạo của xã đã có những thay đổi tích cực, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên.
Có dịp trở lại xã Minh Đức một ngày cuối tháng 8, đi qua các xóm: Thuận Đức, Đầm Mương, Chằm… cùng với màu xanh mướt mắt của những đồi chè, chúng tôi còn được ngắm nhìn những vườn cây ăn quả sai lúc lỉu. Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Bí thư Chi bộ xóm Thuận Đức, trước đây, với diện tích vườn đồi, bà con chủ yếu trồng sắn, trồng keo nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2007, một vài người dân đã tìm hiểu, đưa một số giống cây ăn quả (ổi, cam vinh, bưởi diễn, bưởi hoàng…) từ tỉnh Hưng Yên về trồng, sau mỗi năm, diện tích ngày càng được mở rộng. Với hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này mang lại, những năm gần đây, người dân trong xóm đã mạnh dạn đầu tư cả về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, dần hình thành các mô hình có quy mô lớn. Hiện, toàn xóm có trên 115 hộ dân thì có tới 70% số hộ trồng cây ăn quả với diện tích hơn 10ha, trở thành vùng trọng điểm trồng cây ăn quả của xã.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Mạnh Quân, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết: Vốn là địa phương thuần nông còn nhiều khó khăn, do đó để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, xã đã tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, gắn với hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Theo đó, cùng với việc cải tạo vườn đồi, đưa các giống chè cành cho năng suất cao vào trồng thay thế giống cũ với diện tích gần 200ha, xã cũng hình thành vùng cây ăn quả tập trung với diện tích gần 140ha (cam vinh, bưởi diễn, thanh long ruột đỏ, nhãn, táo, ổi...) tập trung nhiều ở các xóm: Thuận Đức, Lầy, Chằm, Đầm Mương...
Từ việc được tiếp cận khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn vay, người dân đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, có giá trị và khả năng cạnh tranh cao, như: Sản xuất chè, cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, rau thủy canh... Người dân cũng không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và tư duy làm ăn theo kiểu tự cung tự cấp, thay vào đó họ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện thu nhập. Cùng với đó, xã cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, tăng số lứa vật nuôi xuất chuồng trong năm. Hiện, toàn xã có 8 trang trại, hơn 260 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với diện tích chuồng trại khoảng 50m2, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chấp hành tốt quy định về bảo vệ môi trường với hệ thống biogas xử lý chất thải, sử dụng men, chất sinh học để giảm mùi, không xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường xung quanh...
Song song với việc nâng cao mức sống cho người dân, xã Minh Đức cũng tập trung các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Với quan điểm phát huy vai trò của nhân dân, giai đoạn 2011-2018, người dân địa phương đã đóng góp trên 20 tỷ đồng; tự nguyện hiến gần 33.000m2 đất các loại, tháo dỡ gần 10.000m tường rào xây, chặt phá hàng nghìn cây xanh và đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động để nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế... Hiện nay, trên 30km đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; đường trục
xóm, liên xóm được cứng hóa 100%, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân; hệ thống kênh mương thủy lợi được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Riêng năm 2018, xã đã xây mới 10 nhà văn hóa xóm; nâng cấp, cải tạo 7 nhà văn hóa xóm, tổng kinh phí trên 12,5 tỷ đồng, nâng tổng số 17/17 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định nông thôn mới. Các nhà văn hóa xóm đều được trang bị hệ thống loa, âm thanh, bàn, ghế, có điểm vui chơi, giải trí... đảm bảo cho các hoạt động sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể thao của nhân dân. Bà Trần Thị Thuận, ở thôn Cầu Giao chia sẻ: Khi nhà văn hóa xóm được hoàn thành và đưa vào sử dụng với diện tích khoảng 150m2 cùng với khuôn viên rộng rãi, người dân ai nấy cũng phấn khởi, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, từ đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đồng lòng xây dựng đời sống mới.
Sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/người/năm (năm 2011 là 17 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,9% (năm 2011 là 24%); 100% người dân được sử dụng điện lưới Quốc gia và có phương tiện đi lại, thông tin liên lạc... Theo ông Hoàng Mạnh Quân, kết quả trên chính là thành quả từ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là động lực để xã tiếp tục phấn đấu xây dựng đời sống mới, giúp người dân có cuộc sống ngày một ấm no...