Tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

15:12, 26/09/2019

Ngày 26-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh (ảnh).

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019 theo kế hoạch (KH) đã được Quốc hội quyết định 429.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước 369.300 tỷ đồng, vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng. Trước ngày 31/12/2018, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ giao KH đầu tư vốn NSNN năm 2019 cho các bộ, ngành và địa phương với tổng vốn trên 367.179 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán được giao. Tính đến ngày 25-9, tổng nguồn vốn được giao đạt trên 391 nghìn tỷ, bằng 92,16% KH (số vốn chưa giao còn gần 33.684 tỷ đồng, cao hơn so với các năm trước).

Về tiến độ giải ngân, trong 9 tháng, cả nước ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với KH Quốc hội giao, bằng 49,14% so với KH Thủ tướng Chính phủ giao (thấp nhất so với năm 2018). Đáng chú ý, trong khi vốn trong nước giải ngân đạt 49,17% KH Quốc hội giao thì vốn ngoài nước mới đạt 18,8%. Có 7 Bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%; 31 Bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%...

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Chính phủ đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan, hạn chế và cả bất cập khiến công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước năm nay tiếp tục chậm và chậm hơn so với nhiều năm trước. Cụ thể là: Cơ chế lập, giao, điều chỉnh KH đầu tư công hằng năm còn thiếu linh hoạt, việc điều chỉnh KH hằng năm phải thực hiện qua nhiều công đoạn; công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập liên quan đến thẩm định thiết kế, định mức đơn giá xây dựng chậm được cập nhật.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công chủ yếu vẫn là do yếu tố chủ quan. Bởi cùng cơ chế, thủ tục, chính sách và thời gian giao vốn, nhưng có bộ, ngành, địa phương thực hiện rất tốt, có địa phương lại làm rất chậm. Điều này cho thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương có quyết liệt, năng động, sáng tạo trong cách thức triển khai, thực hiện hay không? Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị dự toán cấp I, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời có các giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh; Thủ tướng đồng ý với đề xuất không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án đã được nêu tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…