Phú Đô giảm nghèo nhờ tập trung thâm canh chè

11:36, 30/12/2019

Mặc dù xuất phát điểm là một xã khó khăn của huyện Phú Lương nhưng nhiều năm gần đây, nhờ lựa chọn cây chè làm cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế mà đời sống của người dân xã Phú Đô ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Nằm cách trung tâm huyện 20km về phía Đông với địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, người dân xã Phú Đô không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ và trồng cây lương thực. Vì thế, trước đây, nhiều hộ dân đã biết tận dụng lợi thế địa hình để trồng giống chè trung du nhằm tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do diện tích còn khá manh mún, điều kiện sản xuất thủ công nên năng suất, chất lượng chè chưa cao. Còn lại đa số người dân vẫn chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế khá thấp… Do đó, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nhà tạm, nhà dột nát cao, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 26,4% vào năm 2011 (theo chuẩn nghèo cũ)...

Bắt đầu từ năm 2010, được sự định hướng của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang trồng cây chè và nhận thấy nhu cầu về sản phẩm chè ngày càng lớn, bà con đã xác định đây là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Theo đó, phong trào sản xuất và kinh doanh chè ngày càng được lan rộng. Hầu như gia đình nào cũng cố gắng cải tạo đất và sở hữu ít nhất 2-3 sào đất trồng chè. Ngoài ra, người dân cũng rất chủ động nắm bắt thị trường, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể như: chuyển đổi giống chè trung du sang giống mới có năng suất cao như: LDP1, Tri777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…; chuyển từ sao chè bằng chảo gang sang tôn quay…

Bên cạnh sự chủ động của nhân dân, hàng năm, bằng những nguồn vốn khác nhau, tỉnh và huyện cũng có các chương trình hỗ trợ để đẩy mạnh ứng dụng máy móc trong tất cả các khâu và nâng cao trình độ sản xuất cho người dân . Trong năm 2018, xã đã được hỗ trợ 8 bộ tôn quay, máy vò bằng Inox và máy biến tần; xây dựng 4 điểm tưới tiết kiệm chè; tổ chức 5 lớp tập huấn sản xuất chè, thu hút 280 lượt người tham gia…

Ngoài ra, năm nay, Hợp tác xã Seamaul Phú Nam 1 đã được Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ, công nhận mô hình sản xuất và chế biến chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 15ha.

Ngoài ra, những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp, cơ sở hạ tầng của xã ngày càng được nâng cao như đường giao thông, đường điện lưới… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng quy mô sản xuất, chế biến và quảng bá, kinh doanh sản phẩm chè. Nếu ban đầu diện tích trồng chè chỉ tập trung ở các xóm phía Nam thì nay đã mở rộng ra toàn xã với tổng diện tích là 510ha vào năm 2018 (tăng 140ha so với năm 2015); sản lượng đạt hơn 5.000 tấn chè búp tươi/năm (tăng 400 tấn so với năm 2015); giá bán ra trên thị trường đạt trung bình từ 160-170 nghìn đồng/kg chè khô.

Giá trị kinh tế mà cây chè mang lại đã đem lại nguồn thu nhập ổn định giúp người dân xã Phú Đô nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo đã được giảm dần qua mỗi năm, đến năm 2018 chỉ còn 10,75% (giảm 19,75% so với năm 2016).

 Anh Nguyễn Văn Thiết, xóm Phú Nam 7 chia sẻ: Trước đây, gia đình nằm trong diện hộ cận nghèo. Đời sống kinh tế phụ thuộc vào 6 sào chè trung du nhưng do chưa chú trọng nên hiệu quả không cao, thu nhập chỉ được vài trăm nghìn/tháng. Tuy nhiên, từ năm 2012, hiểu được giá trị kinh tế cao mà cây chè mang lại, tôi đã vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 8 triệu đồng để mua 1 bộ tôn sao bằng  sắt, 1 máy vò chè, máy Lioa và chuyển đổi sang trồng giống chè TRI777. Qua đó, cùng với việc chăm sóc đúng quy trình mà năng suất thu được đã tăng gấp 3 lần (đạt trung bình 1,6 tạ chè búp khô/lứa), chè bán ra được giá cao (trung bình 160-170 nghìn đồng/kg chè búp khô). Giờ đây, cây chè đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định với trung bình 3 triệu đồng/người/tháng và chính thức thoát nghèo vào năm 2018.

Ông Nịnh Văn Ngoan, Phó Chủ tịch xã Phú Đô cho biết: Cây chè đã giúp 95% số hộ dân trong xã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện nay,  việc sản xuất chè của người dân vẫn còn manh mún, việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, chế biến chè chưa được nhiều. Chính vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn cho người dân nâng cao kỹ thuật trồng  và chế biến chè. Qua đó, từng bước hướng đến xây dựng thương hiệu chè cho các làng nghề nói riêng và của xã Phú Đô nói chung. Ngoài ra, xã cũng mong muốn tỉnh và huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ công cụ sản xuất cho nhân dân để nâng cao chất lượng sản phẩm chè.