Chủ động ứng phó bằng việc làm cụ thể

09:37, 16/03/2020

Dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt khi mà sự lây lan đã mở rộng ra trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó, ngành Ngân hàng được nhận định là sẽ chịu tác động nặng nề, lâu dài. Trong bối cảnh này, những giải pháp nào được ngành Ngân hàng triển khai? Cuộc phỏng vấn của chúng tôi với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh và 3 ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ phần nào làm rõ nội dung này . 

P.V: Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi Giám đốc NHNN tỉnh. Ông có thể cho biết khái quát tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn và những tác động của dịch đối với ngành hiện nay ra sao?

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Nếu như trong tháng 1, hoạt động NH trên địa bàn tiếp tục ổn định, với dư nợ tăng 0,38% so với cuối năm 2019, thì từ tháng 2, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến toàn ngành đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khiến dư nợ cho vay không những không tăng mà còn có xu hướng giảm, với mức giảm 0,02% so với cuối năm 2019. Tính đến cuối tháng 2, tổng dư nợ trên địa bàn là 57.139 tỷ đồng, còn nguồn vốn huy động đạt 66.700 tỷ đồng, tăng 1,93%. Dự báo, trong thời gian tới, dư nợ sẽ tiếp tục đà giảm và tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng. 

P.V: Trước tình hình này, NHNN tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, đặc biệt là đối với doanh nghiệp (DN)?

Ông Bùi Văn Khoa: Thực hiện sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các chi nhánh NH trên địa bàn thực hiện rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh và đề xuất với Hội sở chính các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Cùng với đó, chủ động quảng bá, phát triển các sản phẩm, dịch vụ NH trực tuyến để khuyến khích người dân tăng cường các hoạt động online trong các quy trình, thủ tục giao dịch tiền tệ, tín dụng, hạn chế giao tiếp trực tiếp, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt... Cùng với đó là xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với tình huống có cán bộ bị nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 phải cách ly hoặc trụ sở làm việc, phòng giao dịch, điểm giao dịch nằm trong địa bàn phải cách ly, phong tỏa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Hiện, NHNN tỉnh cũng đang chuẩn bị tổ chức làm việc với các NH trên địa bàn, các hiệp hội ngành hàng và một số DN để nắm bắt mức độ ảnh hưởng, qua đó triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng một cách thiết thực, hiệu quả nhất.

P.V: Còn đối với các NH thương mại thì sao? Những giải pháp cụ thể nào đã được triển khai để đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn hiện nay?

Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTM Đầu tư và Phát triển (BIDV) Thái Nguyên: BIDV coi việc hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn này là một hành động cấp thiết, vừa là trách nhiệm đối với cộng đồng, vừa là cách để tự cứu chính mình. Hiện, BIDV đang triển khai Gói tín dụng ngắn hạn 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng DN. Theo đó, BIDV giảm lãi suất cho vay tối thiểu là 1%/năm đối với khoản vay bằng VNĐ và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD. Tại BIDV Thái Nguyên, đã có 104 khách hàng DN được giảm lãi suất. Chi nhánh cũng đã tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch có dư nợ gốc và/ hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến hết tháng 3-2020... Dự kiến, dư nợ ảnh hưởng, dự kiến cơ cấu một chu kỳ sản xuất, kinh doanh chỉ tính riêng trong 2 tháng qua là trên 1.200 tỷ đồng... 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc NHTM Công thương (Vietinbank) Thái Nguyên: Bám sát các chỉ đạo của NHNN và Vietinbank, Chi nhánh đã tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của tất cả khách hàng, đặc biệt những DN, lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch… Theo đó, các biện pháp mà Chi nhánh đề xuất Trụ sở chính hỗ trợ đối với khách hàng bao gồm: Cấp tín dụng mới để ổn định sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền trả nợ; miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Bước đầu, đã xác định 25 khách hàng dư nợ lớn có nguy cơ tổn thất, thiệt hại rõ rệt do ảnh hưởng của dịch, với tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng; đã thực hiện cơ cấu nợ 1 khách hàng và đang tiếp tục làm việc với các khách hàng còn lại. Việc làm này đang tiếp tục được Vietinbank Thái Nguyên thực hiện trong thời gian tới…

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Agribank Thái Nguyên: Ngay khi nhận được các văn bản chỉ đạo của NHNN và Agribank, Chi nhánh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo/bộ phận phản ứng nhanh tại các chi nhánh loại II trực thuộc. Xây dựng chương trình hành động triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tại các điểm giao dịch, Agribank đều được trang bị nước rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí cho khách hàng (nếu có nhu cầu), thường xuyên vệ sinh, lau chùi sàn, phun thuốc sát khuẩn tại cửa ra vào, thang máy; gắn maket cảnh báo, hướng dẫn khách hàng các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế. Còn về chính sách với khách hàng, chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện theo đúng hướng dẫn của NHNN và Trụ sở chính. Hiện, Chi nhánh đã dành 300 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này… 

P.V: Như vậy có thể thấy, các NH đều đã có và chuẩn bị những biện pháp, hành động cụ thể, thiết thực để chung tay, đồng hành cùng khách hàng trong việc phòng, chống dịch COVID-19, nhằm góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, để sự hỗ trợ này thực sự đạt hiệu quả thì một trong những yếu tố không thể thiếu và mang tính chất quyết định vẫn là sự nỗ lực vượt lên của chính các DN vay vốn. Xin trân trọng cảm ơn các ông, bà đã tham gia trả lời phỏng vấn của Báo Thái Nguyên.