Cần sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn

10:51, 16/04/2020

Hoạt động kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu bị ngừng trệ do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, người tiêu dùng hạn chế ra ngoài. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất thì vừa thiếu nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, vừa sụt giảm đầu ra. Doanh thu sụt giảm mạnh, thậm chí bằng 0, nhưng DN vẫn phải gồng mình trả các chi phí về mặt bằng, nhân công, khấu hao máy móc, trang thiết bị… Đó là những khó khăn mà các DN vừa và đang phải đối mặt, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành để vượt qua khó khăn.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 7.000 DN, trong đó hơn 90% là các DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Đây là lực lượng DN đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, tăng sản lượng và tạo công ăn việc làm ở địa phương. Tuy nhiên do dịch COVID-19 kéo dài nhiều tháng nay đã và đang gây ra nhiều tác động nặng nề đối với các DN này. Theo số liệu mới đây của ngành Thống kê, trong quý I, toàn tỉnh đã có 208 DN tạm ngừng hoạt động và 130 DN, chi nhánh DN đóng mã số thuế. So với cùng kỳ, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 12,4% và số DN đóng mã số thuế tăng 73,3%. Trong đó, bị ảnh hưởng nhiều nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch hầu như không có doanh thu, các đơn hàng đặt trước đều bị hoãn, hủy trong khi tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải thanh toán theo hợp đồng. Ông Phạm Việt Hưng, Giám đốc Khách sạn Habana (T.P Thái Nguyên) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 3 tháng đầu năm, doanh thu của khách sạn sụt giảm mạnh, gần 40 lao động buộc phải giảm giờ làm. Chúng tôi không thể đóng cửa khách sạn, hay cho người lao động nghỉ việc nên vẫn phải “lay lắt” duy trì hoạt động để giữ chân người lao động và chờ thị trường khởi sắc.

Các DN sản xuất, xây dựng gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, điều đó khiến nhiều DN sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể mất thanh khoản, làm tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản. Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Kết cấu thép và Xây dựng Tân Khánh (T.X Phổ Yên) bày tỏ: Khó khăn lớn nhất với Tân Khánh chính là khó khăn về tài chính. Sự kéo dài của các dự án đang triển khai dẫn đến hao phí tài chính, khó quay vòng vốn và cuối cùng là nợ đọng dự án. Dịch bệnh thì không biết đến bao giờ mới kết thúc, DN cũng đã có tính toán của riêng mình để ổn định sản xuất, kinh doanh thời kỳ “hậu COVID-19”. Trước mắt, chúng tôi mong muốn được tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ để tái đầu tư sản xuất, đồng thời tạo điều kiện thực hiện các dự án của tỉnh.

Còn ông Nghiêm Sỹ Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Quang Trung (Phú Lương) - chuyên sản xuất gạch tuynel - cho biết: Những năm trước, thời điểm này, đơn vị xuất bán được trên dưới 10 triệu viên gạch tuynel/tháng, nhưng nay chỉ đạt 6 triệu viên. Cùng với đó, giá bán sản phẩm cũng giảm 20% so với cùng kỳ mà thị trường xây dựng lại ảm đạm. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị vẫn cố gắng duy trì hoạt động, đóng nộp bảo hiểm và trả lương cho hơn 70 lao động với mong muốn qua thời điểm dịch bệnh, thị trường xây dựng sẽ “ấm” trở lại và tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị sẽ khởi sắc. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo cơ chế thông thoáng với dòng sản phẩm gạch nung để sản phẩm có mặt trong các công trình xây dựng của Nhà nước; các cơ quan chức năng cũng hạn chế tổ chức thanh tra, kiểm tra DN để đơn vị tập trung nguồn lực phòng, chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh…

Hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH Ngôi sao Hy vọng (T.X Phổ Yên).

Để khắc phục khó khăn trên, nhiều DN đã chủ động đưa ra các giải pháp như: liên kết, chia sẻ lợi nhuận, thậm chí tăng chiết khấu cho các đối tác, bạn hàng. Bên cạnh hỗ trợ nhau qua mùa dịch, các DN cũng đang tập trung tái cấu trúc, xây dựng lại chiến lược kinh doanh, tìm thêm thị trường mới và xây dựng nguồn nhân lực… để sau khi hết dịch có thể trở lại sản xuất, gia tăng năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, đối với các DN kinh doanh ăn uống, thời trang, thương mại, phân phối lưu thông hàng hóa… đã kịp thay đổi với hình thức kinh doanh online. Các quán ăn đẩy mạnh bán hàng online, khách hàng chọn món trên website và app sau đó chọn đơn vị vận chuyển, các shiper sẽ mang món ăn tới tận nhà. Một vài siêu thị cũng chủ động đẩy mạnh, phổ biến hình thức bán hàng online… Chị Phạm Thị Ngọc Hà, Trưởng bộ phận bán hàng Siêu thị Minh Cầu cho biết: Trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, số lượng đơn hàng giao tận nơi của siêu thị chúng tôi tăng liên tục. Bên cạnh hình thức kinh doanh online, các DN còn triển khai nhiều phương án khác nhau để “sống chung với dịch”, như: Hỗ trợ phí vận chuyển, tăng cường khuyến mãi, giảm giá, tặng khẩu trang và nước rửa tay cho khách mua hàng, áp dụng công nghệ quản lý và bán hàng đa kênh, tích hợp thanh toán điện tử…

Theo dự báo của ngành chức năng, đối với các DN hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý II này, 26,2% DN sẽ khó khăn hơn; các DN hoạt động ngành xây dựng thì 51% số DN cũng sẽ khó khăn hơn so với quý I. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa của tỉnh thẳng thắn cho biết: Để giữ được “sức khỏe" trong thời điểm hiện nay, các DN đều rất mong nhận được sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành chức năng. Theo đó, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất đối với các DN nhỏ và vừa là các ngân hàng thương mại trên địa bàn cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc đối với các khoản vay trung hạn sau 12 tháng và số nợ gốc của thời gian giãn được cộng dồn vào thời gian trả nợ còn lại; cơ cấu lại thời gian trả lãi vay trung hạn được trả dần vào thời gian vay còn lại; miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản; thực hiện hoãn, giãn thuế và bảo hiểm xã hội; giảm tiền thuê đất, mặt bằng cho DN…