Mặc dù theo quy định của Luật Quản lý thuế, tháng 7-2022 mới là thời hạn cuối các doanh nghiệp (DN) phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) thay cho hóa đơn giấy, nhưng đến nay, toàn tỉnh đã có 2 nghìn DN sử dụng loại hóa đơn này, chiếm tỷ lệ 40%. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, kết quả này có được là nhờ sự phối hợp hiệu quả của các DN cung cấp dịch vụ với cơ quan Thuế, cùng với đó là ý thức trách nhiệm của các DN.
Từ năm 2016, tại nhiều hội nghị tập huấn, đối thoại với các DN về chính sách thuế mới, ngành Thuế tỉnh đã tổ chức tuyên truyền các chính sách về HĐĐT đến 100% DN trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với VNPT, Viettel Thái Nguyên và một số đơn vị cung cấp dịch vụ để triển khai nội dung này đến cộng đồng DN.
Ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ: Ban đầu, phần lớn DN không mấy hào hứng vì họ đang quen sử dụng hóa đơn giấy. Hơn nữa, sử dụng HĐĐT cũng khiến việc giữ số hóa đơn cho khách hàng trở nên khó khăn, thậm chí là không thể nếu để qua ngày. Tuy nhiên, với những DN lớn, sử dụng nhiều hóa đơn, thì HĐĐT lại được xem là giải pháp quan trọng giúp hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn, đặc biệt là tiết kiệm tối đa các chi phí có liên quan. Vì thế, thời gian đầu, đại đa số DN sử dụng HĐĐT là DN lớn, sử dụng nhiều hóa đơn. Đến nay, HĐĐT đã trở nên phổ biến trong xã hội, DN cũng dần hiểu được các lợi ích mà nó mang lại nên nhiều DN nhỏ đã bắt đầu tiếp cận, sử dụng.
Còn theo ông Đào Duy Thái, Giám đốc Khách hàng Chi nhánh Viettel Thái Nguyên: Trước khi triển khai đến các DN thì từ năm 2015, Viettel đã sử dụng HĐĐT tại chính đơn vị mình nên chúng tôi hiểu rõ được những tiện ích mà hóa đơn này mang lại. Đầu tiên là về lợi ích kinh tế. So với hóa đơn giấy, HĐĐT giúp tiết kiệm từ 60-90% chi phí. Cụ thể là 1 hóa đơn giấy thông thường có giá từ 500 đến hơn 1.000 đồng (tùy thuộc số lượng in nhiều hay ít), thì HĐĐT chỉ có giá trung bình là 290 đồng (càng dùng nhiều càng rẻ). Tiếp đó là giảm đáng kể thời gian viết hóa đơn vì DN có thể tích hợp phần mềm kế toán vào hệ thống HĐĐT của đơn vị cung cấp dịch vụ nên khi thao tác lập hóa đơn trên phần mềm kế toán, dữ liệu sẽ tự động đẩy qua hệ thống HĐĐT một cách rất nhanh chóng. Thứ ba là thuận tiện trong lưu trữ. Thay vì toàn bộ hóa đơn sau khi được sử dụng, DN đều phải lưu kho ít nhất 10 năm, thì giờ, công việc đó đã được đơn vị cung cấp dịch vụ đảm trách và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn. Trong trường hợp muốn tìm lại một số hóa đơn nào đó, kế toán DN chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên máy vi tính là xong. Đặc biệt, sử dụng HĐĐT, cả DN và khách hàng đều không còn phải lo hóa đơn bị mất vì số hóa đơn này đã được lưu trữ…
Cũng theo ông Đào Duy Thái: Chính sự thuận tiện mà HĐĐT mang lại đã giúp Viettel Thái Nguyên giảm đáng kể nhân sự của bộ phận kế toán. Trước đây, Chi nhánh có tới 15 kế toán và 10 thủ kho, nhưng nay, mặc dù doanh số của đơn vị ngày càng tăng đáng kể, đã đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng năm 2019, với tổng hóa đơn sử dụng lên tới 1,3 triệu tờ/năm, nhưng hiện Chi nhánh chỉ có 4 kế toán và 1 người làm công việc tổng hợp trong đó có phần việc thủ kho. Tính đến nay, Chi nhánh đang cung cấp dịch vụ HĐĐT cho 1.360 DN. Riêng trong quý I/2020, đơn vị phát triển được hơn 300 khách hàng mới.
Cùng có chung đánh giá như ông Đào Duy Thái, ông Đặng Hữu Mạnh, Giám đốc Kinh doanh khách hàng DN VNPT Thái Nguyên chia sẻ thêm: Qua thực tế sử dụng HĐĐT, lãnh đạo nhiều đơn vị, DN còn nhận ra cả những bất cập trong việc bố trí nguồn nhân lực, từ đó đã sắp xếp lại vị trí việc làm hoặc điều chỉnh quy trình làm việc để mang lại hiệu quả cao hơn… Tuy nhiên, ông Mạnh cũng phản ánh một thực trạng hiện nay đó là: Trái ngược với DN lớn, nhiều DN nhỏ hiện vẫn chưa muốn sử dụng HĐĐT. Bên cạnh lý do chưa thực sự hiểu hết những lợi ích của loại hóa đơn này, cùng với đó là tâm lý ngại thay đổi, nhất là những DN có kế toán lớn tuổi, thì một yếu tố quan trọng khác đó chính là ngại sự minh bạch, muốn mập mờ về doanh thu, muốn giữ số hóa đơn để đáp ứng nhu cầu của khách… Mà những yếu tố này chỉ hóa đơn giấy mới lợi dụng được. Hiện, trung bình mỗi năm, VNPT Thái Nguyên sử dụng trên 2 triệu HĐĐT; còn đối với trên 500 DN mà đơn vị đang cung cấp dịch vụ thì số lượng HĐĐT sử dụng cũng đạt trên 1 triệu tờ/năm.
Có thể nói, với sự phối hợp, đồng hành của các đơn vị cung cấp dịch vụ HĐĐT, đặc biệt là của VNPT và Viettel Thái Nguyên đã giúp việc triển khai HĐĐT đến các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả. Và theo đánh giá của Tổng Cục Thuế thì Thái Nguyên hiện là tỉnh có số lượng DN sử dụng HĐĐT cao so với mặt bằng chung toàn quốc. Với khoảng 6 triệu HĐĐT đã được sử dụng trong năm 2019 (chiếm khoảng 6070% tổng lượng hóa đơn sử dụng), thì chỉ tính riêng chi phí in ấn đã tiết kiệm được cho các DN khoảng 2 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn là việc DN sử dụng HĐĐT còn giúp cho công tác quản lý của cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan trở nên thuận lợi hơn, nhất là trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, qua đó góp phần ngăn chặn việc mua, bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, từ đó tạo sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh cho các DN, mà rộng hơn là cho nền kinh tế cũng như giúp tăng thu cho ngân sách Nhà nước.