Điện tử hóa trong ngành Ngân hàng

08:38, 30/06/2020

Trước đây, khi muốn gửi, chuyển hoặc rút tiền thì các khách hàng đều phải trực tiếp đến giao dịch tại ngân hàng (NH). Nhưng hiện nay, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet thì những giao dịch này đều có thể thực hiện ở bất cứ chỗ nào. Tuy nhiên, tiện lợi là thế nhưng không phải ai cũng biết và sẵn sàng sử dụng dịch vụ này. Từ thực tế đó đòi hỏi các NH quan tâm hơn nữa đến việc giới thiệu và giúp khách hàng trải nghiệm những dịch vụ nhằm mang lại lợi ích cho các bên, đồng thời góp phần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.

Từ hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) rất ít khi phải đến NH hay ra cây ATM để rút hoặc gửi tiền. Ngay cả với việc nạp tiền điện thoại, trả tiền điện, nước, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, thanh toán mua hàng online, gửi tiền tiết kiệm…, chị đều thực hiện qua chiếc điện thoại thông minh của mình. Chị Huyền chia sẻ: Trước đây, tôi không quan tâm nhiều đến các sản phẩm dịch vụ của NH. Nhưng kể từ khi sinh con, do không có nhiều thời gian nên tôi đã quyết định sử dụng dịch vụ Mobile banking. Nhờ có dịch vụ này mà việc mua bán, thanh toán, chuyển tiền của tôi vô cùng thuận lợi. Cách thức sử dụng dịch vụ cũng hết sức đơn giản.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên: Dịch vụ NH điện tử, đặc biệt thông qua mạng Internet hay điện thoại di động thông minh ngày càng được sử dụng phổ biến. Đối với tỉnh ta, với dân số gần 1,3 triệu người, trong đó chiếm tỷ lệ không nhỏ trong độ tuổi lao động - người có khả năng sử dụng các dịch vụ NH điện tử, cùng với đó là đời sống của người dân ngày càng được nâng cao nên Thái Nguyên đang được xem là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa để ngành NH gia tăng sản phẩm dịch vụ, ở cả thành thị và nông thôn. Hiện, toàn tỉnh có 34 đầu mối tổ chức tín dụng, trong đó có 28 chi nhánh NH thương mại, 9 chi nhánh cấp huyện thuộc NH Nông nghiệp và PTNT; 110 phòng giao dịch trực thuộc các NH có trụ sở tại tỉnh… đã giúp việc tiếp cận với các dịch vụ NH điện tử trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện còn có 245 máy rút tiền tự động (cây ATM), 1.700 điểm chấp nhận thẻ (POS), 635 điểm giới thiệu dịch vụ của 10 công ty tài chính. Tính đến hết tháng 6-2020, toàn tỉnh mở được hơn 1 triệu tài khoản thanh toán, số lượng thẻ NH đang lưu hành là gần 575 nghìn thẻ.

Ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm của ngân hàng điện tử. Trong ảnh: Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Chi nhánh tỉnh giới thiệu với khách hàng về sản phẩm dịch vụ Mobile Banking.

Chính sự phát triển ngày càng đa dạng các sản phẩm NH điện tử đã giúp tiến trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ được đẩy nhanh. Đặc biệt, khoảng 3-5 năm gần đây, các NH đã tích cực phối hợp với Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội mở tài khoản chuyên thu để thực hiện ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước. Đơn cử như việc thu nộp thuế cho ngân sách nhà nước, tính đến nay, có trên 99% đã được các DN, người dân nộp tiền theo hình thức này.
Mới đây nhất, nhiều NH còn triển khai hệ thống quản trị NH tập trung (corebanking) hiện đại. Phần mềm quản lý này có thể tự động hóa lịch trình công việc, phục hồi nhanh các yêu cầu của khách hàng, có thể thực hiện tới 1.000 giao dịch/giây, quản trị tới 50 triệu tài khoản khách hàng và hỗ trợ thực hiện giao dịch qua hệ thống 24h/ngày, khách hàng có một mã duy nhất ở NH là có thể giao dịch với rất nhiều sản phẩm dịch vụ và ở bất cứ nơi nào có thể cùng hoặc khác hệ thống NH. 

Là một trong những NH tiên phong thành lập Trung tâm NH số, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện cung cấp hàng chục sản phẩm tiên tiến, hiện đại đến khách hàng, qua đó đã giúp gia tăng nhanh chóng lượng người dùng. Chỉ tính riêng BIDV Thái Nguyên, hiện có tổng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ NH số là 88.000 người, tăng 22% so cùng kỳ, đóng góp vào thu nhập từ dịch vụ chiếm 18% tổng thu nhập toàn Chi nhánh (riêng lĩnh vực NH điện tử chiếm 16% trong tổng thu dịch vụ). Theo ông Hà Mậu Quý: Dịch COVID-19 buộc mọi người phải thực hiện giãn cách và cách ly đã khiến nhiều người hiểu ra những giá trị mà thương mại điện tử mang lại, nhờ đó các dịch vụ của NH số đã được biết đến và sử dụng nhiều hơn.

Các dịch vụ NH điện tử hiện nay gồm: Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Phone Banking, Mail Banking, Fax Banking, Video Banking… Ngoài ra, đối với từng NH lại có thêm những sản phẩm dịch vụ khác với những tên gọi khác nhau, như: Dịch vụ thanh toán phí du lịch trực tuyến, nạp tiền di động trả trước…

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay đó là tỷ lệ người hiểu và sử dụng thường xuyên các dịch vụ NH điện tử chưa đạt như kỳ vọng và so với mặt bằng chung các nước trong khu vực vẫn còn thấp. Điều này phần nào thể hiện qua con số còn khoảng 90% các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt. Ngay cả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và những người sống ở khu vực đô thị, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ chưa biết hoặc biết mà chưa sử dụng các loại dịch vụ của NH điện tử, ngoài chiếc thẻ ATM dùng để nhận và rút lương. Vì thế, theo ông Bùi Văn Khoa, ngành NH, đặc biệt là các NH thương mại sẽ phải quan tâm, chú trọng hơn đến việc thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn về giá trị tiện ích của các dịch vụ NH điện tử. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng việc sử dụng  các dịch vụ, cũng như làm tốt vấn đề an toàn, bảo mật, tạo lòng tin tuyệt đối đối với người dùng… Làm được những điều này cũng sẽ thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng và chỉ đạo của Chính phủ.