Có một tích chuyện rằng: Ngày xưa, nhiều quan lại chán cảnh triều chính, hoặc vì thất sủng chốn quan trường, tự dắt díu vợ con vào lân núi này sống đời mai danh ẩn tích, nên người trong vùng gọi Lân Quan - Cụ Lý Văn Hầu, 90 tuổi rủ rỉ kể. Cụ là một trong những người dân đầu tiên về đất này định cư.
Hồi bấy giờ (năm 1977) có 8 gia đình người Mông với mấy mươi con người từ tỉnh Cao Bằng dắt díu nhau về thẻo đất của tận cùng miền Sa Lung, xã Tân Long (Đồng Hỷ) mở đất tra hạt bắp. Nhìn vách đá xám xanh, ôngTrần Văn Hồ, Trưởng bản Lân Quan tâm sự: Vùng đất này đã cho chúng tôi hơn 40 mùa bắp chín. Cũng suốt chừng ấy năm chúng tôi không phải là những “Robinson”. Bởi có nhiều thế hệ cán bộ của Đảng, Nhà nước về chia sẻ, giúp đỡ chúng tôi trong hành trình xóa đói, giảm nghèo.
Khi đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dần ổn định, lại chợt “cơn gió độc” ùa về làm chao đảo bản. Hơn 20 năm về trước, một số phần tử xấu “vẽ” cho đồng bào viễn tưởng: Không cần lao động sản xuất, đá trên núi tự biến thành hạt bắp; củi ngoài rừng thành lợn, gà quay; nước dưới suối trở thành rượu ngon… vì nhận thức hạn chế, đồng bào đã bỏ nương rẫy, đợi phép màu. “Cơn gió độc” đã làm lây lan gần khắp bản căn bệnh lười nhác, thà “ăn đói năm co, hơn ăn no vác nặng”. Nhận thấy tình hình không ổn, cán bộ xã Tân Long và các ông, bà trong Ban Công tác mặt trận của Bản đã đến từng nhà, thấy người già, con trẻ thiếu mèn mén, mặt xanh lại như lá rau cải, mắt nhìn ngơ ngác vì đói. Ông Hồ kể: Lúc ấy tôi đang làm phó xóm, kiêm công an viên, tôi nói thẳng tuột cái ý nghĩ của mình: Miệng mọi người thấy đắng vì bụng đói. Bụng đói do cái đầu lười nghĩ; chân, tay lười làm. Nếu cứ nghe lời người xấu thì bệnh lười càng nặng, chết vì đói… Nghe phải lý, bà con tự bảo nhau trở lại với công việc nương rẫy.
Một góc bản Lân quan hôm nay.
Vẫn là cây bắp trên nương, con lợn, con gà nuôi thả ngoài vườn, nhưng nhờ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, được Nhà nước hỗ trợ giống mới, phân bón và vốn vay ưu đãi, nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Tuy ở Lân Quan, trong đồng bào còn nhiều người chưa biết chữ, có người không biết nói tiếng phổ thông, nhưng nếp nghĩ khép kín tự sản, tự tiêu được xóa bỏ, tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa được định hình. Lựa thế núi thế đất, đồng bào chăm chỉ trồng cây bắp, nuôi con bò dần ổn định được cuộc sống. Ông Dương Văn Lầu, Bí thư Chi bộ tâm sự: Người Mông mình đi đến đâu cũng nghĩ đến việc dành đất trồng cây bắp lấy lương thực. Hiện hộ nhiều xuống 20kg hạt giống/vụ; hộ ít xuống 5kg hạt giống/vụ. 1kg hạt bắp giống truyền thống đạt năng suất 50kg; 1kg hạt bắp lai đạt năng suất 250 kg. Hạt bắp giống mới vừa to, vừa mẩy, ai cũng thích.
Nhờ cây bắp lai, phụ nữ trong bản không phải thức đêm xay bột làm mèn mén, mà bán hạt bắp lấy tiền mua gạo, mua sách vở cho con đi học. Cùng với cây bắp, nhiều hộ trong bản chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Hộ ít vốn nuôi 1 con, hộ khá vốn nuôi thường xuyên 8 đến 10 con. Ông Trần Văn Vàng, một chủ hộ có nhiều kinh nghiệm nuôi vỗ béo trâu, bò ở bản cho biết: Cây bắp trồng trên nương đủ để bán đổi gạo ăn trong năm. Con bò nuôi bán được tiền chi tiêu các việc khác trong nhà… Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Năm 2017, ông Vàng được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ông mua 1 con bò, sau 1 năm mang bán, trừ vốn mua bò giống còn lãi 15 triệu đồng. Kể từ đó gia đình ông thường xuyên nuôi từ 2 đến 3 con bò vỗ béo.
Để bảo đảm có đủ thức ăn cho đàn vật nuôi, hầu hết các hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò ở bản đều dành đất sau núi, đất giáp ranh giữa các nương ngô để trồng cỏ. Chuyện hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, ông Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2016, Nhà nước hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi 51 gói hạt giống cỏ Super BMR, tổng trị giá hơn 12,7 triệu đồng. Loại cỏ này sinh trưởng nhanh, là “món khoái khẩu” của trâu, bò. Cũng năm này, Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào 5.000 cây na dai, tổng trị giá 35 triệu đồng. Hợp thổ nhưỡng nên cây na phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Hiện na đang bói quả vụ đầu.
Đang hí húi thụ phấn cho na, ông Lý Văn Dé bảo: Ngoài cây giống, các hộ trồng na còn được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Còn bà Dương Thị Hoa, Chi hội trưởng Phụ nữ của bản cho biết: Từ năm 2019, một số hộ đã có na ăn. Theo “thông lệ”, nhà có quả chín vụ đầu sẽ được mang phân phát cho cả bản cùng thưởng thức. Như chợt nhớ ra, ông Hồ cười khà: Mấy hôm trước, ông Dương Văn Máy mang một thúng đào chín chia cho cả bản. Đào ruột đỏ, không lông, ăn ngọt, giòn, ai cũng thích. Hiện 20 hộ trong bản trồng được trên 1.000 cây. Dự kiến ngoài hạt bắp; con trâu, bò, đồng bào Lân Quan còn có thêm sản phẩm hàng hóa mới là cây ăn quả các loại.
Bây giờ, sản phảm nông nghiệp của đồng bào được tư thương các vùng vào tận nhà gom mua, chất lên xe ô tô về phố. Tất cả đã thay đổi, đồng bào bản Lân Quan tự tin hơn trên hành trình xóa giảm đói nghèo. Cũng lúc này người của bản nhớ lại ít năm về trước, sản phẩm nông nghiệp làm ra, muốn đổi thành tiền bà con phải cõng ngược núi, đi suốt đêm để kịp phiên chợ La Hiên (Võ Nhai) hoặc chợ Hích, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ). Gặp chúng tôi, ông Lý Văn Khào nói như vừa trút bỏ được gánh nặng: Đó là chuyện 5 năm về trước. Đường ra, vào bản chật hẹp, đá tai mèo sắc cứa gan bàn chân. Nhưng bây giờ là đường bê tông thoáng rộng, không còn dốc thúc gối tới ngực, xe ô tô vận tải cõng hàng hóa tiêu dùng về bản đổi ngô, đổi trâu, bò, tài xế không phải rù rì lùi - tiến vì sợ cả người và xe rơi xuống mép vực.
Đường về bản Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) được bê tông hóa.
Đã thông đường nhiều năm, nhưng đồng bào vùng đất tận cùng miền Sa Lung vẫn nhớ đến những người hiến đất cho đường rộng mở. Ngoài ông Khào, còn có gia đình ông Lý Văn Nó, Trần Văn Tu… Đường mở đến đâu, đồng bào hiến đất đến đó. Ai cũng coi đó là việc đáng làm. Ông Tu, người hiến 1.000 m2 đất nói như tâm sự: Biết gia đình bị thiệt thòi, nhưng bao con người trong lũng núi này được hưởng lợi… Tôi thật sự bất ngờ khi được nghe câu chuyện nhân văn, hàm chứa sự cao thượng sâu sắc ở những con người chỉ biết việc trồng bắp, nuôi bò. Cũng ở vùng đất có thể ví là “thâm sơn cùng cốc” này còn có câu chuyện đầy tình người. Đó là chuyện của bà Vương Thị Đua, hộ nghèo của bản. Một lần đi nương, bà Đua nhặt được 6 triệu đồng liền nộp ngay cho trưởng bản. Sau 3 ngày thông báo trên loa, anh nhân viên cấp dưỡng cho Đoàn địa chất Thái Nguyên đã đến nhà văn hóa nhận lại đủ số tiền bị đánh rơi. Không vì nghèo mà đánh mất đi lòng tự trọng. Đồng bào các dân tộc ở tận cùng miền Sa Lung là thế. Không bê tha vì rượu; không có người mắc các tệ nạn xã hội và biết sống cho cộng đồng. Còn nhớ độ này năm trước, hệ thống nước sạch tự chảy do Nhà nước đầu tư bị mưa rừng cuốn theo đất, đá vùi lấp. Ông Sùng Văn Sinh, Chi hội trưởng Nông dân đã kéo theo một số trai tráng mang cuốc, xẻng, xà beng và đèn pin lên đầu núi, vào hang tối, tìm nguồn nước và hì hụi mất cả tuần thì khơi thông lại dòng nước mát lành về bản.
Từ chăn nuôi trâu bò, gia đình bà Ngô Thị Sài thu được hơn 30 triệu đồng/năm.
Ở tận cùng miền Sa Lung, những ngôi nhà mái ngói, mái tôn xanh, đỏ lấp lóa dưới nắng tháng Sáu. Cụ Lý Thị Thào, 90 tuổi, một trong những cư dân đầu tiên từ tỉnh Cao Bằng về đây lập bản Lân Quan xúc động: Nhà ở, cơm ăn, nước uống của người Lân Quan đều do Chính phủ hỗ trợ, giúp đỡ. Cả cái nhà văn hóa cho bà con đến hội họp, gặp gỡ cũng là món quà của cán bộ, nhân dân T.P Thái Nguyên tặng. Rồi cái đường bê tông chẻ đứt từng quãng núi về bản cũng do Nhà nước làm. Đời sống khổ nhọc, thiếu thốn đã vơi nhẹ trên vai người Lân Quan.
Nắm bàn tay tôi thật chặt, ông Hồ mộc mạc: Ở tận cùng của miền Sa Lung, nhưng Lân Quan không còn là vùng đất khuất của tỉnh. Người Lân Quan sống đoàn kết, luôn có tinh thần vươn lên. Năm 2019, bản có 107/134 hộ đạt tiêu chí Gia đình văn hóa… Và anh hẹn tôi lần sau trở lại, bản sẽ có nhiều mô hình kinh tế giỏi để gặp gỡ, trò chuyện.