Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nói riêng. Tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về XDNTM (cả giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020) quy định xã NTM phải có HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Thời gian qua, tuy vẫn còn không ít khó khăn nhưng việc thực hiện tiêu chí số 13 trong XDNTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Từ thực tế hiện nay cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ và tạo điều kiện cho KTTT phát triển thì địa phương đó thường có số lượng HTX nhiều và hoạt động hiệu quả. Xã Yên Đổ (Phú Lương) là một ví dụ. Đến nay, trên địa bàn xã có 3 HTX đều hoạt động tốt, 2 tổ hợp tác (THT) liên kết hiệu quả và nhiều tổ nhóm nông dân liên kết, hỗ trợ nhau (bản chất là các THT nhưng chưa làm thủ tục chứng thực tại chính quyền xã). Trong đó, HTX Nông sản an toàn Yên Đổ (thành lập tháng 12-2017) có hình thức tổ chức, liên kết sản xuất hiệu quả, điển hình của HTX kiểu mới.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lương Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông sản an toàn Yên Đổ chia sẻ; HTX thành lập trên cơ sở 5 THT sản xuất các loại nông sản sạch với tổng số 43 thành viên, đến nay vẫn duy trì 5 tổ như vậy. HTX đứng ra bao tiêu một số sản phẩm, nhận hỗ trợ từ các nguồn để triển khai cho thành viên thụ hưởng, cùng hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, động viên nhau lúc khó khăn. Chúng tôi có kế hoạch mở rộng các mô hình sản xuất nông sản sạch, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm. Một trong những nguyên nhân để có kết quả bước đầu như vậy là HTX nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp, ngành liên quan, nhất là xã.
Nói về chủ trương và giải pháp phát triển KTTT trên địa bàn, ông Trần Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Yên Đổ cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã nhận thức rõ tầm quan trọng của KTTT. Bởi nếu người dân cứ sản xuất tự phát nhỏ lẻ, không liên kết lại thì sẽ khó cạnh tranh và gặp nhiều rủi ro. Vì vậy, chúng tôi luôn khuyến khích, động viên người dân liên kết sản xuất, hỗ trợ thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức KTTT phát triển. Ví dụ như xã đã chỉ định thầu một số công trình nhỏ (quy định không phải đấu thầu) cho HTX Công nghiệp và Xây dựng Long Thành thi công; cho HTX Nông sản an toàn mượn trụ sở Ban Quản lý chợ để làm văn phòng, cấp không thu phí một gian hàng tại chợ giáp Quốc lộ 3 để HTX bán sản phẩm, tạo nguồn thu và tiêu thụ nông sản cho các thành viên.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lệ, ở xóm Gia Trống, xã Yên Đổ (Phú Lương) hiện chăn nuôi 14 con trâu, bò thương phẩm, mới tham gia HTX Nông sản an toàn ở xã. Ảnh: T.Q
Cũng tại huyện Phú Lương, xã Tức Tranh (thuộc vùng chè trọng điểm của huyện) hiện có tới 8 HTX đều hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển các làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm chè và thu nhập cho người dân. Xã giao một công chức phụ trách mảng KTTT, thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động, tham mưu triển khai các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thành lập và hoạt động của các HTX.
Xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) cũng là địa phương khá điển hình về phát triển KTTT. Trên địa bàn xã từng có 4 HTX nông nghiệp kiểu cũ (từ thời bao cấp). Thực hiện Luật HTX năm 2012, xã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thị xã đôn đốc, hướng dẫn các HTX chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, hoặc giải thể những HTX không hiệu quả. Đến nay, xã còn 3 HTX đang hoạt động hiệu quả, trong đó có 1 đơn vị mới là HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (thành lập tháng 5-2017).
Theo ông Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao, nhiều hô dân trên địa bàn có truyền thống thâm canh rau màu nhưng sản xuất tự phát, chạy theo thị trường nên hay gặp rủi ro về giá. Từ thực tế đó, xã kiên trì tuyên truyền, vận động một số người thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao để sản xuất rau an toàn. Quá trình vận động thành lập, chính quyền luôn đồng hành với các thành viên sáng lập để động viên, cùng với các cơ quan chuyên môn của thị xã giúp họ hoàn thiện thủ tục, điều lệ hoạt động. Đồng thời phối hợp, ưu tiên triển khai các nguồn hỗ trợ cho HTX, từ việc đào tạo sơ cấp nghề, tổ chức đi tham quan học tập cho các thành viên đến bồi dưỡng, tập huấn cán bộ HTX, hỗ trợ xây dựng nhà lưới trồng rau sạch, cùng đứng ra vận động giúp phát triển thành viên… Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay HTX có 35 thành viên, có tổ chức và phương án sản xuất bài bản, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ổn định…
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh là người tâm huyết và hiểu sâu về KTTT. Ông Hưởng cho rằng, liên kết sản xuất là tất yếu trong nền kinh tế hội nhập và người nông dân cũng khó có thể “đứng ngoài”. Để liên kết hiệu quả, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn thì mô hình HTX rất phù hợp. HTX mang tính cộng đồng cao, có tư cách pháp nhân để giao dịch, kết nối đầu vào, đầu ra, tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu… điều mà từng hộ cá thể rất khó làm. Ưu điểm nổi bật của HTX kiểu mới là tạo ra mối liên kết, cung ứng dịch vụ thiết yếu cho các thành viên nhưng không phủ định kinh tế hộ mà hỗ trợ để kinh tế hộ phát triển.
Cũng theo ông Trần Nho Hưởng, toàn tỉnh hiện có 103 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, tuyệt đại đa số các xã có HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả (cũng có xã chưa có HTX như xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) vì đã đạt chuẩn ở giai đoạn trước, khi tiêu chí số 13 chỉ yêu cầu có HTX hoặc THT hoạt động hiệu quả). Nhìn chung, cấp ủy, chính quyền các xã coi trọng thực hiện tiêu chí này. Tuy nhiên, cũng có nơi chủ yếu do nhận thức chưa đúng, chưa đủ nên xã chỉ cố gắng vận động thành lập HTX để đạt tiêu chí mà ít quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ thực sự cho KTTT. Đây là “bệnh” hình thức cần phải khắc phục.