Sản xuất chè an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm

16:03, 08/07/2020

Phúc Trìu nằm ở phía Tây của T.P Thái Nguyên và nằm trong khu vực chỉ dẫn địa lý vùng chè Đặc sản Tân Cương. Những năm qua, nhiều hộ dân trong xã đã chú trọng đầu tư phát triển cây chè, toàn xã có 1.691 hộ thì số hộ làm chè chiếm tới 75%. Các hộ dân đã chú trọng đầu tư máy móc cho sản xuất chế biến chè như tôn quay, máy sao vò chè, máy đóng gói hút chân không, dàn tưới

Gia đình Phạm Văn Kiên, xóm Phúc Thành trồng 2 mẫu chè lai LDP1. Anh Kiên cho biết: Do đặc tính của cây chè, cứ nắng 5 ngày là chè cần được tưới nước, do vậy gia đình tôi đã đầu tư dàn tưới. Nguồn vốn đầu tư vốn không nhiều nhưng giảm được nhiều công lao động. Năng suất trung bình đạt khoảng 20-22kg chè khô/sào…

Ngoài ra, trên địa bàn xã, một số hợp tác xã chè phát triển tốt như Hợp tác xã Chè Thủy Thuật, Hợp tác xã Chè Gia Bảo, Hợp tác xã Chè Hưng Thịnh. Các hợp tác xã đã và đang hoạt động hiệu quả và khẳng định được chỗ đứng trên thương trường.

Sau gần 2,5 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Chè Thủy Thuật đã từng bước khẳng định hướng đi trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chè. Chị Phạm Thị Thủy, thành viên Hợp tác xã Chè Thủy Thuật cho biết: Khi thành lập Hợp tác xã, đơn vị được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà xưởng. Cùng với đó, HTX cũng đầu tư máy móc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè. Hiện Hợp tác xã có trên 5 ha chè sản xuất hữu cơ, ngoài ra còn thu mua của các hộ dân sản xuất ViệtGAP trên 10 ha.

Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất trên 15 tấn chè búp khô, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Không chỉ xuất bán trong tỉnh, sản phẩm chè của Hợp tác xã cũng bán ra thị trường Hà Nội, Hải Phòng, T.P Hồ Chí Minh, Tiền Giang… HTX Chè Thuỷ Thuật đã luôn đặt chất lượng sản phẩm là quy tắc quan trọng nhất để tạo nên sự tin tưởng đến khách hàng. Với mục tiêu sản xuất chè an toàn nhất với quy trình chăm bón thân thiện với môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng, chính vì thế mà các sản phẩm của HTX như Độc đinh trà, Nhất tâm trà, Tôm nõn cao cấp… đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, có tem truy suất nguồn gốc. Trong những năm tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất chè theo hướng hữu cơ, đầu tư nhà lưới nhằm tăng năng suất và chất lượng chè, tránh thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến cây chè…

Phúc Trìu hiện có 362 ha chè kinh doanh, năng suất bình quân đạt 160 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 5.792 tấn; giá trị sản phẩm chè trên 1ha diện tích đạt 360 triệu đồng/năm. Chè đã trở thành nguồn thu nhập chính cho của nhiều hộ dân trong xã. Ngoài giống chè trung du, trên địa bàn xã còn phát triển diện tích chè lai LDP1, Bát Tiên, Ngọc Thúy…

Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu khẳng định: Cho tới nay, nghề chè của xã đã phát triển trên 60 năm, sản phẩm chè của xã đã có chỗ đứng trên thị trường. Thời điểm hiện tại, xã có 15 làng nghề chè truyền thống, nhiều nhất trong các địa phương làm chè của thành phố. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn bởi nó giải quyết được nhân công lao động và đem lại nguồn thu nhập cho người dân trong xã. Vì thế, trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo nông dân sản xuất chè theo hướng ViệtGAP nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng cải tạo giống chè, trồng mới và trồng phục hồi mỗi năm trên 10 ha chè nhằm đảm bảo năng suất và sản lượng chè, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.