Với giải pháp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở công nghiệp nông thôn, hoạt động khuyến công của tỉnh những năm gần đây cho thấy hiệu quả rõ rệt dù nguồn vốn được cấp không nhiều. Hiệu quả của hoạt động này khó có thể định lượng chính xác nhưng các đối tượng được thụ hưởng đều thấy rõ.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đề án khuyến công mà đơn vị mới được thụ hưởng, anh Nguyễn Minh Thế, Giám đốc Công ty TNHH Song Vũ Minh Thế (Tiên Hội, Đại Từ) nói ngay: “Rất hiệu quả và thiết thực”. Tiền thân là xưởng cơ khí nhỏ của gia đình chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng.
Với sự nỗ lực và nhạy bén thị trường, cơ sở sản xuất của anh có những bước phát triển tuy chậm nhưng khá vững chắc (doanh thu hàng năm đạt từ 5 đến 6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động). Công ty đã vay vốn để mua sắm các loại máy móc cơ bản (máy phay, máy tiện…) nhưng do thiếu kinh phí để trang bị một số máy móc đắt tiền nên nhiều công đoạn vẫn phải làm thủ công, chất lượng sản phẩm hạn chế và giá thành lại cao. Đầu năm nay, được sự giới thiệu, tư vấn của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện về nguồn vốn khuyến công, Công ty đã đầu tư hệ thống máy cắt CNC gas/plasma trị giá 375 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng.
Việc đầu tư máy cắt CNC giúp Công ty TNHH Song Vũ Minh Thế sản xuất được những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.
Anh Thế hồ hởi cho biết: Máy được lập trình hoạt động nhằm chế tạo, cắt gọt các chi tiết cơ khí, chỉ cần 1 người điều khiển nhưng năng suất bằng khoảng 4 người. Đặc biệt là sản phẩm làm ra đều, đẹp, độ chính xác cao nên khách hàng rất ưng ý. Đang ở giai đoạn khó khăn, chúng tôi may mắn khi được hỗ trợ từ nguồn khuyến công. Điều đó giúp chúng tôi ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Cũng như anh Thế, chủ các cơ sở sản xuất khác khi được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đều khẳng định hiệu quả và sự thiết thực của Chương trình này. Chị Lý Thị Hương, Giám đốc HTX Chè Hương Việt (xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên) chia sẻ: 8 thành viên HTX đều là những hộ có kinh nghiệm làm chè lâu năm nhưng chủ yếu làm thủ công do thiếu vốn đầu tư máy móc. Tháng 1 vừa qua, HTX được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 180 triệu đồng (tương đương 40% giá trị) để mua 2 máy tôn ga sao chè, 1 máy hút chân không.
Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công Thương), hàng năm kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương triển khai trên địa bàn tỉnh chỉ vào khoảng 5 tỷ đồng. Từ nguồn đó, Trung tâm triển khai hỗ trợ khoảng 20 cơ sở sản xuất/năm (riêng năm 2019 có 31 cơ sở được hỗ trợ, 6 tháng đầu năm nay có 1 cơ sở được hỗ trợ).
Theo anh Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, số vốn này rất ít so với nhu cầu thực tế hiện nay. Để đảm bảo hoạt động khuyến công hiệu quả, đúng mục đích, Trung tâm tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện khảo sát kỹ nhằm lựa chọn cơ sở xứng đáng để hỗ trợ. Giải pháp là hỗ trợ có trọng tâm, ưu tiên hỗ trợ sản xuất, ứng dụng kỹ thuật và thiết bị mới để tạo thành các mô hình có tính lan tỏa; tập trung vào các cơ sở công nghiệp nông thôn, những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, nguyên liệu chế biến dồi dào như: Chè, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
Ngoài hỗ trợ trực tiếp về máy móc, thiết bị, Chương trình khuyến công còn có nhiều hoạt động thiết thực khác: Tổ chức hội thảo, hội nghị tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp; hỗ trợ các đơn vị đăng ký, tham gia các hội trợ để quảng bá sản phẩm, kết nối cung – cầu; xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm; tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất…
Anh Bùi Anh Tuấn cho rằng: Hiệu quả của hoạt động khuyến công khó định lượng chính xác nhưng ở nhiều khía cạnh có thể thấy rõ. Đó là việc góp phần thúc đẩy công nghiệp ở khu vực nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng của từng địa phương; tạo sự lan tỏa, giúp các cơ sở sản xuất nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, tự tin hơn khi tham gia vào chuỗi liên kết, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ngay tại địa phương. Chương trình này vì thế cần các cấp, ngành quan tâm bố trí thêm nguồn vốn trong thời gian tới./