Làm sáng tỏ các sai phạm của Công ty CP Yên Phước

11:35, 01/08/2020

Sau hơn 2 tháng tiến hành thanh tra, đến nay, Đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh (do Sở Công Thương chủ trì) đã công bố kế luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh của Công ty CP Yên Phước (có trụ sở chính tại xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ).

Kết luận thanh tra số 1311/KLTT-SCT của Sở Công Thương do ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương ký ngày 20/7/2020 cho thấy: Công ty đã được cấp Giấy phép số 1091/GP-UBND ngày 02/06/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh. Thời hạn khai thác đến ngày 28/6/2031, trữ lượng khai thác 136.256 tấn, công suất khai thác 8.500 tấn/năm. Phương thức khai thác của doanh nghiệp là hầm lò đến mức + 220m tại khu A và khai thác lộ thiên đến mức + 340m tại khu B; diện tích khu vực khai thác là 59ha, thuộc địa phận xã Minh Tiến và Na Mao (Đại Từ).

Qua xác minh của Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, từ tháng 01/01/2019 đến hết ngày 11/5/2020 (thời điểm thanh tra), doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ pháp lý; đã lập hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế mỏ và hồ sơ về kỹ thuật an toàn theo quy định. Đồng thời, thực hiện các thủ tục thuê đất, sử dụng đất để phục vụ hoạt động khai thác than; xây dựng công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động khai thác than...

Tuy nhiên, từ kết quả thanh, kiểm tra thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này đã có một số vi phạm. Cụ thể, khai thác không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được khai thác (theo bề mặt) 843m2. Đặc biệt, doanh nghiệp còn sử dụng sai mục đích 189.844m2 đất rừng sản xuất vào hoạt động khai thác khoáng sản, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định; không thu gom chất thải theo quy định; kê khai thiếu khối lượng đất đá thải, thiếu sản lượng để tính phí bảo vệ môi trường; lập sổ theo dõi xuất nhập vật liệu nổ ghi chưa đầy đủ, hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ nội dung...

Trước những sai phạm trên, sau quá trình thanh tra, Sở Công thương (đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì Đoàn Thanh tra liên ngành) đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt Công ty CP Yên Phước theo quy định. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2206/QĐ-XPVPHC ngày 17/7/2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Yên Phước số tiền hơn 500 triệu đồng về các hành vi vi phạm nêu trên; yêu cầu Công ty buộc phải khai thác đúng các thông số của hệ thống khai thác trong thiết kế mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép về trạng thái an toàn.

Về phía Sở Công Thương, tại Kết luận Thanh tra số 1311 cũng yêu cầu Công ty CP Yên Phước trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật theo Giấy pháp khai thác khoáng sản được Chủ tịch UBND tỉnh cấp; thường xuyên duy trì quản lý kỹ thuật khai thác, tuân thủ quy trình, quy phạm trong khai thác theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên QCVN 04:2009/BCT, tiêu chuẩn quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên TCVN: 5326:2008, thực hiện quan trắc dịch động.

Cùng với đó là tăng cường hoàn chỉnh hệ thống đê ngăn, mương thoát nước, các hạng mục phụ trợ của bãi thải theo thiết kế đã được phê duyệt, đảm bảo công tác thoát nước khu vực khai thác và bãi thải không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; thực hiện cắt tầng khu vực khai thác đảm bảo tuân thủ theo thiết kế mỏ; phải cắm mốc khép góc khu vực khai thác khoáng sản theo tọa độ ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản; hoàn thiện hồ sơ thuê đất đối với 189.844m2 đất không có hồ sơ sử dụng đất; kê khai đúng phí bảo vệ môi trường theo quy định; nộp 17 triệu đồng tiền phí bảo vệ môi trường còn thiếu...

Trước đó, ngày 3/7/2020, Báo Thái Nguyên điện tử đã đăng tải bài viết phản ánh về tình trạng sạt trượt bùn thải của Công ty CP Yên Phước làm ảnh hưởng đến đất canh tác của bà con xóm Ao Soi, xã Na Mao; về những sai phạm trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than, diễn ra trong thời gian dài của đơn vị làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở các xã Na Mao, Phú Cường (Đại Từ), gây bức xúc trong nhân dân và chính quyền địa phương.