Những năm gần đây, Phú Đô đã trở thành địa phương có tốc độ giảm nghèo nhanh hàng đầu trong huyện Phú Lương. Để có được kết quả này, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo sinh kế cho bà con, trong đó nổi bật là công tác vận động hộ nghèo mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Anh Lâm Văn Hùng, xóm Khe Vàng 1 chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng chè các giống chè cũ. Do không có vốn đầu tư mua phân bón, cải tạo đất, làm hệ thống tưới tiêu nên sản lượng, chất lượng chè kém, kinh tế gia đình vì vậy cũng khó khăn trong suốt nhiều năm. Đến năm 2016, sau khi được Chi hội Nông dân xóm tuyên truyền, vận động, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Lương (NHCSXH) để cải tạo đất sản xuất, trồng thay thế diện tích chè trung du bằng các giống chè lai cho năng suất cao, làm hố chứa nước và mua máy bơm… Sau 2 năm trồng, diện tích chè của gia đình tôi đã phát triển tốt, năng suất và sản lượng tăng gấp 3-4 lần so với giống chè cũ. Trung bình mỗi năm tôi thu được 7 lứa với sản lượng 1,8 tạ chè khô/lứa, giá bán ra đạt 130.000 đồng/kg (cao hơn gần 100.000 đồng so với trước). Nhờ đó, gia đình tôi đã có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, mua xe máy và các vật dụng khác. Đến cuối năm 2018, gia đình tôi đã thoát nghèo.
Còn ông Nguyễn Viết Thuận, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Khe Vàng 2 cho biết: Trước đây, nhận thức của bà con trong xóm về vấn đề vay vốn tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế. Đa số người dân còn e dè khi quyết định vay vốn vì lo lắng đến khả năng trả nợ. Vì thế, hàng quý, trong các cuộc họp Tổ, bên cạnh việc triển khai kế hoạch của quý tiếp theo, chúng tôi còn vận động, hướng dẫn các hộ vay phương thức làm ăn, canh tác theo kỹ thuật mới. Nhờ vậy, dư nợ của xóm ngày càng tăng dần qua các năm, đến nay đã đạt trên 3,3 tỷ đồng (tăng hơn 730 triệu đồng so với năm 2016).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả trên địa bàn, hàng năm, Đảng ủy, chính quyền xã luôn chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngoài ra, trước khi nhận ủy thác cho vay vốn, các tổ tiết kiệm và vay vốn cũng yêu cầu hộ dân đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh của gia đình trong thời gian vay rồi mới đưa ra cuộc họp bình xét. Bất cứ hộ vay nào cũng phải ký cam kết với tổ vay vốn là có trách nhiệm trả gốc, lãi đúng hạn. Về phía tổ vay vốn cũng cam kết sẽ tạo điều kiện, kêu gọi các tổ viên khác đóng góp hỗ trợ trả tiền gốc đối với những hộ gặp khó khăn, rủi ro. Nhờ vậy, công tác triển khai vay vốn và thu nợ của NHCSXH huyện Phú Lương luôn được thuận lợi.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến năm 2019, NHCSXH huyện Phú Lương đã thực hiện hợp đồng ủy thác với 27 tổ tiết kiệm và vay vốn; tổng nguồn vốn tín dụng cho vay trên địa bàn trên 171,7 tỷ đồng. Trong đó, số hộ vay vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh; vốn hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo… để cải tạo đất, phát triển cây chè chiếm tỷ lệ cao.
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH huyện đã tạo ra “cú hích” lớn, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phú Đô. Kết quả đánh giá cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế của gia đình và địa phương. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Phú Đô từ 29,93 % (năm 2015) xuống còn 6,95 % (năm 2019), thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 32 triệu đồng/người/năm.
Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho hay: Để tiếp tục triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; đẩy mạnh tuyên truyền, khảo sát, bình xét cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích đảm bảo phát huy tốt nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nâng cao về chất lượng và hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; thường xuyên kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay tại cơ sở…