Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường quản lý những diện tích đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Qua đó, giảm tình trạng tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa người dân với các công ty nông, lâm nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân sử dụng đất hiệu quả hơn khi được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục nông, lâm trường được thành lập để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp (trồng chè và trồng rừng). Sau khi đất nước đổi mới, các nông, lâm trường chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp. Do một số đơn vị kinh doanh không hiệu quả nên đã giải thể, đến nay, trên địa bàn tỉnh còn lại 9 đơn vị, được giao quản lý hơn 84 nghìn héc ta đất. Sau khi có Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính Phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh đã rà soát để thu hồi diện tích đất của các nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả hoặc không có nhu cầu sử dụng. Đồng thời, cơ quan chức năng đã xây dựng phương án sử dụng những diện tích đất được bàn giao phù hợp với thực tế.
Võ Nhai là một trong những địa phương triển khai nhanh việc quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường sau khi được bàn giao. Năm 2016, khi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Võ Nhai (Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai) giải thể, diện tích đất rừng được giao lại cho chính quyền quản lý. Trên cơ sở phương án sử dụng đất và văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, huyện Võ Nhai đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho những hộ dân đã nhận hợp đồng giao khoán với Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai.
Hiện nay, hàng trăm hộ dân ở xã Dân Tiến đã được cấp GCNQSDĐ có nguồn gốc từ đất của Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai. Những diện tích này đều được bà con đầu tư trồng rừng phát triển kinh tế. Bà Dương Thị Mây, ở xóm Làng Mười, xã Dân Tiến (Võ Nhai) cho biết: Người dân trong xóm chủ yếu là công nhân của lâm trường cũ. Sau khi Công ty lâm nghiệp Võ Nhai giải thể, chúng tôi đã đề nghị, sau đó UBND huyện đo đạc và cấp GCNQSDĐ đúng với diện tích hợp đồng giao khoán. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 5ha đất đều trồng rừng, một số diện tích cây rừng trồng sắp đến tuổi khai thác…
Còn theo ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, khi Công ty lâm nghiệp Võ Nhai giải thể, huyện đã được giao 1.340ha đất rừng, nằm trên địa bàn 2 xã Dân Tiến và Tràng Xá. Trong đó, xã Dân Tiến có hơn 900ha, xã Tràng Xá có gần 400ha. Trên cơ sở rà soát diện tích đất lâm nghiệp, các hộ dân có đầy đủ hợp đồng giao khoán với Công ty lâm nghiệp Võ Nhai sẽ được cấp GCNQSDĐ. Huyện đã cấp GCNQSDĐ cho hơn 200 hộ dân, với tổng diện tích gần 800ha, số diện tích còn lại đang tiếp tục rà soát để cấp cho người dân đúng theo quy định.
Cũng là địa phương có nhiều diện tích đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường được bàn giao, thu hồi (với hơn 4.000ha), thời gian qua, UBND huyện Đồng Hỷ đã lập phương án sử dụng đất với hơn 1.400ha do Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên bàn giao. Đến nay, huyện đã cấp GCNQSDĐ cho 55 hộ dân, với diện tích 122ha ở xã Cây Thị. Ông Nguyễn Văn Bẩy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ cho biết: Thời gian tới, cùng với việc rà soát, đo đạc để cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân, huyện sẽ tiếp tục lập phương án sử dụng đối với những diện tích đất chuẩn bị được nhận bàn giao quản lý. Xác lập mốc giới, hợp đồng giao khoán giữa người dân với Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên để đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Hiện nay, diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến giữ lại gần 60.000ha. Trong đó, gần 53.400ha do Ban Quản lý rừng và Vườn Quốc gia quản lý (hơn 38.000ha đã được cấp GCNQSDĐ); các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng hơn 5.800ha (hơn 5.000ha đã được cấp GCNQSDĐ). Ông Vũ Tiến Lâm, Phó trưởng Phòng Quản lý Đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Năm 2017, tỉnh bắt đầu triển khai Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh. Trong đó, xác định 3 đối tượng của Đề án, gồm: Ban Quản lý rừng, Vườn Quốc gia; các công ty lâm nghiệp; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.
Đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi, nhận bàn giao hơn 12.200ha và dự kiến tiếp tục thu hồi hơn 7.000ha từ các nông, lâm trường tại các địa phương, gồm: Đại Từ, T.X Phổ Yên, Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai. Với việc nhanh chóng triển khai phương án sử dụng đất, rà soát, cấp quyền sử dụng đất cho công ty nông, lâm nghiệp đang kinh doanh, sản xuất ổn định.
Mặc dù tỉnh đã triển khai Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, phương án sử dụng đất phù hợp, nhưng tiến độ cấp GCNQSDĐ vẫn còn chậm, nhiều diện tích vẫn chưa xác định được ranh giới tại thực địa nên vẫn còn tình khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường với người dân. Vì vậy, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc xác định mốc giới. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ rà soát, đo đạc cấp GCNQSDĐ đối với diện tích người dân đã canh tác ổn định khi các Công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho lại cho tỉnh.