Nếu không tạo được cú hích trong giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đến cuối năm nay, “điểm nghẽn” này sẽ là một thách thức lớn, kéo giảm sự tăng trưởng của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhiều lĩnh vực khác. Và để tháo gỡ “điểm nghẽn” cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ được triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Giải ngân ì ạch
Theo báo cáo mới đây nhất của tỉnh tại cuộc làm việc ngày 4/8/2020 với Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu, tính đến ngày 31/7/2020, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh (không bao gồm nguồn vốn kéo dài từ năm 2018, 2019 chuyển sang năm 2020 thực hiện) mới đạt 1.867,9 tỷ đồng/5.341 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch năm, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.
Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu, trong 6 tháng đầu năm nay nhiều dự án gặp khó khăn trong việc di chuyển nhân công lao động, thiết bị máy móc và mua nguyên vật liệu, thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng. Cùng với đó, một số dự án gặp vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm thi công và tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Cùng với đó, nguồn thu sử dụng đất đạt thấp (tính đến hết ngày 15/7/2020, số thu tiền sử dụng đất mới đạt 462 tỷ đồng/1.780 tỷ đồng, đạt 26% dự toán giao), do đó nhiều dự án đầu tư từ nguồn này không có vốn để triển khai.
Năm 2020, Trung ương tiếp tục giao vốn vượt khả năng hấp thụ và giải ngân của một số dự án, ngoài ra, một số dự án sử dụng vốn vay ODA do các bộ, ngành trung ương làm chủ quản đầu tư, hiện vẫn đang thực hiện các thủ tục, chuẩn bị đấu thầu nên tỉnh chưa thể giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, những nguyên nhân chủ quan cũng được chỉ rõ là do một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh quyết toán, giải ngân vốn đầu tư. Công tác đôn đốc của chủ đầu tư đối với các nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả. Cụ thể trong nhóm tỷ lệ giải ngân đạt thấp có thể liệt kê một số đơn vị: Chi cục Thủy lợi (12%), Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (17%), Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Định Hóa (17%), Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Thái Nguyên (0%), Trung tâm Pháp y tỉnh (0%), Công ty TNHH MTV thoát nước và hạ tầng đô thị Thái Nguyên (1%)...
Cần tháo gỡ “điểm nghẽn”
Đẩy mạnh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đã được lãnh đạo UBND tỉnh nhắc nhiều trong hầu hết các cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương, trong đó một việc làm rất quyết liệt mà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đó là các chủ đầu tư phải có cam kết về tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công cho từng dự án. Hằng tuần, UBND tỉnh sẽ trực tiếp làm việc với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nghe báo cáo về những khó khăn, vướng mắc, bàn các giải pháp để tháo gỡ, đồng thời gắn trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc triển khai biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cho đến nay, các sở, ngành, địa phương đã hoàn thành khá tốt việc tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí chưa phân khai chi tiết đến từng dự án để các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có cơ sở chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Trong đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh đều cho rằng, với những dự án đã được bố trí kế hoạch vốn (cả chuyển tiếp và khởi công mới) nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ, các cấp thẩm quyền cần xem xét, điều chuyển vốn đầu tư sang các dự án giải ngân tốt. Cần có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thi công công trình.
Ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu, cần làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán. Đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, yêu cầu chủ đầu tư tích cực phối hợp với nhà thầu và đơn vị liên quan thực hiện quyết toán dự án theo đúng thời gian quy định…
Khi việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm sẽ gây hệ lụy sang cả đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Cán thép Thái Trung (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) lấy mẫu thép mới cán. Ảnh: N.H
Để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, thời điểm này rất cần người đứng đầu của các sở, ngành, địa phương, đơn vị thể hiện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, thay vì ngồi chờ đợi “đúng quy trình” thì cần chủ động tìm các nút thắt, đưa ra cách tháo gỡ. Đối với các cán bộ thừa hành nhiệm vụ cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực trong giải quyết công việc, như thế tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh chắc chắn sẽ có chuyển biến tốt hơn.