Khuổi Tát vốn cái tên mà mỗi lần đọc lên, lại nhắc nhớ người ta về một vùng đất khó khăn bậc nhất của xã Quy Kỳ (Định Hóa). Những năm qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, bà con nhân dân ở đây đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, diện mạo Khuổi Tát đã có những thay đổi rõ rệt, tạo nên sắc màu tươi mới cho bức tranh miền núi.
Đến Khuổi Tát một ngày cuối tháng 8, cho xe chạy trên con đường bê tông phẳng lỳ vào trung tâm xóm, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của mảnh đất này. Những ngôi nhà tranh, vách đất đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây vững chãi, mái lợp tôn hoặc pro-xi măng. Nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc giờ cũng đã được phủ xanh bởi nhiều loại cây khác nhau.
Nhắc lại những ngày trước đây, Bí thư Chi bộ Khuổi Tát Hoàng Xuân Đạt không khỏi ngậm ngùi: Con đường đất vào xóm rộng chưa đến 1,5m, lại có nhiều điểm suối cắt ngang, gây ngập sâu vào ngày mưa to nên việc đi lại của 55 hộ dân trong xóm rất vất vả. Những ngày lũ kéo về, Khuổi Tát bị cô lập với bên ngoài. Cũng chính vì lý do này nên việc học sinh phải nghỉ học vào ngày mưa là điều thường thấy. Vào mùa lũ, hàng hóa, nông sản có khi để cả tháng không có người đến mua. Đến năm 2017, xóm được Nhà nước đầu tư hỗ trợ nâng cấp, cứng hóa tuyến đường dài 2,1km chạy thẳng vào trung tâm xóm. Người dân cũng tự nguyện hiến hơn 3.000m² đất và đối ứng tiền để làm đường.
Từ ngày có đường, việc giao thương của bà con trở nên thuận tiện, hàng hóa làm ra có tư thương đến tận nơi thu mua, giá bán cũng cao hơn so với trước đây. Thêm nhiều lớp học làm ăn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cũng được địa phương quan tâm mở ra ở Khuổi Tát. Bà con dù bận rộn công việc nhưng vẫn bố trí thời gian “cắp sách” đi học kiến thức mới. Các hộ dân vì thế có thêm động lực để đầu tư phát triển kinh tế.
Ở Khuổi Tát, thu nhập chủ yếu của bà con dựa vào kinh tế rừng. Hiện Khuổi Tát có 394ha rừng, trung bình mỗi năm, bà con trong xóm trồng mới khoảng 40ha rừng, loại cây được trồng chủ yếu là keo lai với thời gian cho thu hoạch chỉ 5-7 năm, trung bình mỗi ha cho từ 80 - 100 tấn gỗ. Dưới tán rừng, bà con kết hợp nuôi gà, thả trâu, có hộ chăn nuôi lợn rừng… Nhờ phát huy hiệu quả kinh tế rừng, nhiều hộ dân trong xóm đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Tiêu biểu trong số này là gia đình anh Trần Văn Tâm, năm 2013, anh mạnh dạn chuyển đổi rừng tạp sang trồng 4ha keo tai tượng. Đến năm 2019, rừng keo cho thu hoạch, mang về cho gia đình anh gần 200 triệu đồng. Cùng với số tiền tích cóp được, gia đình anh xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt như tivi, tủ lạnh… Anh Tâm bảo: Có giống mới, kỹ thuật mới rồi, cái đầu mình cũng phải nghĩ mới đi. Nếu không thay đổi cách làm ăn thì cả đời tôi có lẽ cũng không dám mơ đến ngôi nhà kiên cố…
Bên cạnh trồng rừng, nhiều hộ dân xóm cũng chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đưa cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nếu như trước đây, nhiều hộ dân chỉ cấy mỗi năm một vụ lúa thì nay cả xóm Khuổi Tát đều cấy hai vụ lúa. Các giống lúa mới như: J02, Khang Dân 18, Bao thai… cũng được bà con đưa vào trồng thay thế giống lúa bản địa năng suất thấp. Nhiều hộ còn đầu tư chăn nuôi lợn, trâu... với quy mô gia trại. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Tâm với mô hình kinh tế tổng hợp gồm hàng chục con lợn thịt; 6ha rừng và 4 sào ruộng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi khoảng 50-70 triệu đồng.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của chính những người dân ở Khuổi Tát, diện mạo ở Khuổi Tát đã từng bước “thay da, đổi thịt”. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xóm đã giảm từ 35% năm 2016 xuống còn 16%. Xóm không còn hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đạt gần 28 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2016). Đến nay, 90% hộ dân trong xóm đã có xe máy, trên 95% hộ dân có tivi để tiếp cận thông tin; 100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học…
Đồng chí Lưu Đức Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Quy Kỳ cho hay: Chặng đường phát triển của Khuổi Tát mới chỉ bắt đầu khi so với mặt bằng chung của địa phương thì đời sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, xóm rất cần sự thêm các nguồn lực đầu tư để hỗ trợ người dân triển khai các mô hình kinh tế phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.