Nhiều công nhân của Mỏ than Phấn Mễ (thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) lo lắng khi Mỏ dừng khai thác lộ thiên từ tháng 6 vừa qua (do chi phí sản xuất quá lớn và giấy phép nổ mìn khai thác hết hạn). Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo quyền lợi cho công nhân là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo Mỏ và Công ty.
Ông Nguyễn Duy Khải, Phó Giám đốc Mỏ lý giải: Sau hơn 70 năm khai thác, điểm mỏ lớn nhất là Bắc Làng Cẩm đã đến giai đoạn cuối. Moong khai thác đã xuống rất sâu (-235m so với mực nước biển), địa chất phức tạp, đường vận tải hẹp và có độ dốc lớn, khu vực đổ thải gặp nhiều khó khăn do chi phí đền bù cao.
Ngoài ra, đây là mỏ có đặc thù là vỉa than dốc đứng, càng xuống sâu thì chi phí sản xuất càng tăng khiến giá thành than quá cao. Theo lý thuyết ngành Mỏ, khi hệ số bóc đất đá trong khai thác lộ thiên lớn hơn 10 (bóc tách, vận chuyển trên 10m3 đất đá mới được 1 tấn than nguyên khai) thì phải chuyển sang khai thác hầm lò để có hiệu quả kinh tế. Hiện nay, hệ số bóc đất đá của điểm mỏ Bắc Làng Cẩm đã lên đến 30.
Vì nguyên nhân chính đó cùng với việc giấy phép nổ mìn của đơn vị đã hết thời hạn nên Công ty CP Gang thép Thái Nguyên quyết định dừng khai thác lộ thiên điểm mỏ Bắc Làng Cẩm từ tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, than mỡ tại các điểm của Mỏ Phấn Mễ là loại khoáng sản hiếm, chuyên để luyện cốc phục vụ sản xuất thép, nhằm hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu, Công ty chủ trương chuyển sang công nghệ khai thác hầm lò (theo tài liệu địa chất, trữ lượng còn lại của điểm mỏ Bắc Làng Cẩm là gần 1,5 triệu tấn than). Nhưng hoạt động chuyển đổi này tương đối phức tạp và sẽ mất nhiều thời gian đầu tư.
Trước mắt, ưu tiên lớn nhất của Công ty và Mỏ là duy trì việc làm, chế độ cho công nhân dôi dư sau khi dừng khai thác lộ thiên (chiếm gần 50% trong số trên 500 lao động của Mỏ hiện nay). Ông Trần Quang Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết: Công ty đã chỉ đạo Mỏ triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ (ngoài quy định của Nhà nước) đối với những người tự nguyện nghỉ trước tuổi, điều chuyển lao động phù hợp trong nội bộ Mỏ và các chi nhánh trực thuộc Công ty. Về dài hạn, đối với những lao động trẻ và có nguyện vọng, Công ty sẽ đào tạo họ thành thợ khai thác hầm lò.
Về điều này, ông Nguyễn Duy Khải cho biết thêm: Nhiều năm gần đây, Mỏ rất hạn chế tuyển dụng lao động mới nên tổng số lao động giảm nhanh (thời điểm năm 2012, Mỏ có trên 1.000 lao động). Khi dừng khai thác lộ thiên, những người có nguyện vọng tiếp tục làm việc, Mỏ điều chuyển trong nội bộ hoặc đề xuất Công ty cho chuyển đến các chi nhánh khác, ví dụ như chuyển 30 người từ khu vực khai thác lên bộ phận sàng tuyển. Ngoài ra, chúng tôi tạo điều kiện cho người lao động tìm việc làm thời vụ để giãn hợp đồng mà vẫn được đóng bảo hiểm xã hội; vận động công nhân đã lớn tuổi nghỉ trước tuôit quy định; giới thiệu việc làm mới cho người lao động…
Vì vậy, đến nay toàn bộ công nhân của Mỏ có nguyện vọng tiếp tục công tác vẫn được duy trì việc làm và đảm bảo các chế độ. Chị Đỗ Thị Quyên, một công nhân nói: Tôi đã làm việc trên 20 năm tại Phân xưởng khai thác, khi dừng khai thác lộ thiên, tôi và nhiều người khác được Mỏ chuyển lên bộ phận sàng tuyển. Công việc và thu nhập có ít hơn những vẫn được duy trì để đảm bảo cuộc sống. Chúng tôi vẫn yên tâm làm việc để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.