Khu vực phía Nam của tỉnh gồm T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình có lợi thế phát triển công nghiệp hơn hẳn so với các địa phương khác trong tỉnh, bởi vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại. Những năm gần đây, khu vực này đã khai thác, phát huy tốt lợi thế đó, tạo bước đột phá về tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) và xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, với tiền đề đã có và tiềm năng còn nhiều, các địa phương ở khu vực phía Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng về SXCN.
Việc Tập đoàn Samsung quyết định đầu tư hàng tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất tại T.X Phổ Yên từ đầu năm 2013 có thể coi là một bước ngoặt lớn đối với phát triển công nghiệp của tỉnh nói chung, khu vực phía Nam của tỉnh nói riêng. Samsung Thái Nguyên như một cực nam châm khổng lồ đã hút theo hàng chục dự án phụ trợ đến đầu tư tại vùng lân cận (chủ yếu là KCN Điềm Thụy và T.P Sông Công); đồng thời thu hút hàng vạn lao động các nơi đến làm việc. Từ đó, giá trị SXCN, xuất khẩu của tỉnh cũng như các địa phương liên quan tăng trưởng đột biến. Ví dụ như huyện Phú Bình, tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN bình quân 5 năm qua đạt tới 48,7%/năm (dự ước năm nay đạt 19.120 tỷ đồng, gấp 7,3 lần năm 2015).
Cùng khoảng thời gian này, tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN của T.P Sông Công đạt bình quân 20,66%/năm. Trong khi đó, dự ước năm nay, giá trị SXCN của T.X Phổ Yên, nơi Samsung đặt “cứ điểm sản xuất”, đạt 750 nghìn tỷ đồng (chiếm 92% toàn tỉnh), gấp khoảng 2 lần năm 2015. Cả 3 địa phương này hiện đều có tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế và công nghiệp phát triển nhanh đã kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, lĩnh vực công nghiệp tại phía Nam của tỉnh chưa phát triển đến ngưỡng ổn định tương đối, tức là còn nhiều dư địa tăng trưởng. Thứ nhất là việc Tập đoàn Samsung và hàng chục doanh nghiệp FDI lớn chọn đặt nhà máy sản xuất tại đây đã phần nào khẳng định “thương hiệu” môi trường đầu tư của Thái Nguyên, góp phần tạo thêm sức hút với các doanh nghiệp khác. Thứ hai, cùng với vị trí địa lý thuận lợi (gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đang phát triển năng động là Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc), hạ tầng giao thông khu vực phía Nam của tỉnh đã và tiếp tục được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, hiện đại; điển hình là cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đường nối KCN Yên Bình với KCN Điềm Thụy, đường 36m nối vào KCN Sông Công II cùng nhiều tuyến đường tỉnh đã và đang được nâng cấp. Cùng với đó, hạ tầng một số KCN tập trung đã được đầu đồng bộ, hiện đại, riêng KCN Sông Công II đang trong quá trình đẩy mạnh xây dựng nhưng cơ bản diện tích đã được nhà đầu tư đăng ký, trong đó có một số dự án lớn đang triển khai. Thứ ba, diện tích nhiều KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn vẫn chưa được lấp đầy, trong đó đáng kể nhất là Khu B - KCN Điềm Thụy có diện tích quy hoạch 170ha phần lớn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công hạ tầng, kế đến là KCN Nam Phổ Yên và nhiềm cụm công nghiệp có vị trí đắc địa.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác cũng cần nhắc đến là các địa phương phía Nam của tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác GPMB (vấn đề các nhà đầu tư rất quan tâm), kinh nghiệm huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư…
Khu công nghiệp Sông Công II hiện đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng hạ tầng. Một số doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp bắt đầu xây dựng nhà xưởng sản xuất. Ảnh: T.Q
Trước thực tế đó, nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng phát triển công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định 1 trong 3 đột phá là: Phát triển cơ sở hạ tầng khu vực phía Nam, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, GPMB, tạo quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư. Phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn tới cũng nêu: Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, KCN phía Nam để thu hút đầu tư, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong phát triển kinh tế… Về lý thuyết, việc xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp cũng là yếu tố quan trọng tạo dư địa tăng trưởng. Đây là điều mà các cấp, ngành liên quan của tỉnh đang rất chú trọng…
Từ chủ trương, định hướng của tỉnh và thực tế phát triển, đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình đều đưa nội dung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, với các giải pháp trọng tâm là thực hiện tốt công tác GPMB, cải cách hành chính, quan tâm thu hút nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng vào nghị quyết, coi đó là một trong những khâu đột phá. Trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết, cấp ủy các địa phương cũng đều xác định sẽ cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết bằng chương trình hoặc đề án phát triển công nghiệp với những giải pháp khả thi. Được biết, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên đã và đang phối hợp với ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất thành lập mới, mở rộng diện tích hoặc điều chỉnh một số KCN để tăng hiệu quả thu hút đầu tư.
Kết quả phát triển công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh và những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội đã rõ, chủ trương, định hướng, giải pháp cho giai đoạn tới cũng đã được xác định. Điều quan trọng là cần cụ thể hóa để thực hiện tốt chủ trương đó bằng sự nỗ lực, năng động của các cấp, ngành liên quan, trong bối cảnh những lợi thế so sánh về thu hút đầu tư của khu vực với các vùng khác đang giảm dần.