Thời gian gần đây, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trong chăn nuôi, một số trang trại trên địa bàn huyện Đại Từ đã đầu tư máy ép phân để xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ. Biện pháp này không chỉ góp phần khắc phục được tình trạng ÔNMT, mà còn đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các trang trại.
Trang trại nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Tịnh, xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ) thường xuyên duy trì trên 3.000 con/lứa. Trung bình mỗi ngày, trang trại phát sinh khoảng 4,5 tấn chất thải cần được xử lý. Trước đây, ông đã xây dựng 6 hầm biogas với dung tích trên 3.000m3 nhưng vẫn không xử lý triệt để được vấn đề ÔNMT của trang trại. Ông Tịnh chia sẻ: Nếu chỉ xử lý chất thải bằng hầm biogas thì tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước và đặc biệt mùi hôi thối giảm không đáng kể. Theo thời gian, toàn bộ chất thải đều được dồn hết vào hầm biogas khiến cho hầm dễ bị quá tải, chất thải thừa ứ, rò rỉ ra bên ngoài, gây ÔNMT. Vì thế, cứ sau vài tháng, tôi lại phải thuê người đến hút, dọn dẹp hầm biosas, tốn kém hàng chục triệu đồng.
Sau khi đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, cuối năm 2019, ông Tịnh đã mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng để mua máy ép chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ. Theo đó, toàn bộ chất thải của lợn từ trong chuồng sẽ chảy xuống bể lắng. Khi máy vận hành sẽ hút tất cả chất thải, sau đó tách, ép thành nước và phân hữu cơ riêng biệt. Phân khô được đùn ra nhỏ mịn, tơi như mùn cưa, còn nước thải được đổ xuống hầm biogas để xử lý. Sau khi được xử lý qua hầm biogas, nước thải tiếp tục được đưa qua bể yếm khí và bể xử lý vi sinh trước khi chảy ra ao lắng và thải ra ngoài môi trường.
Đối với chất thải rắn, sau khi ép khô sẽ được trộn với chế phẩm vi sinh ủ trong 15 ngày rồi đóng bao bán ra thị trường với giá 1.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Tịnh, với khoảng 4,5 tấn chất thải chăn nuôi được thải ra mỗi ngày, sau khi xử lý trang trại thu được hơn 1 tấn phân hữu cơ. Như vậy, mỗi tháng gia đình ông thu về trên 30 triệu đồng từ việc bán phân hữu cơ. Hiện nay, phân hữu cơ sản xuất ra đến đâu đều được bà con nông dân đến mua hết để bón cho cây trồng.
Ngoài trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Tịnh, hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Từ có 4 trang trại khác đã đầu tư máy ép chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ. Theo đánh giá của các chủ trang trại, máy ép chất thải chăn nuôi có chi phí đầu tư không quá lớn (từ 80 đến 160 triệu đồng tùy theo công suất), phù hợp với tất cả các loại hình trang trại từ chăn nuôi gia súc đến gia cầm. Ông Lý Văn Thiệp, chủ trang trại chăn nuôi tại xóm Bậu 2, xã Văn Yên chia sẻ: Từ khi sử dụng máy ép chất thải, môi trường chăn nuôi của trang trại đã được cải thiện rõ rệt, không còn mùi hôi thối như trước đây. Nhờ đó, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh.
Theo thống kê, huyện Đại Từ hiện có 56 trang trại đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn hàng trăm mô hình chăn nuôi gia trại với quy mô từ 10-50 con lợn/lứa hoặc từ 100 đến 1.000 con gia cầm/lứa. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện có trên 65 nghìn con lợn; khoảng 10 nghìn con trâu, bò và 1,7 triệu con gia cầm… Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, trung bình mỗi ngày một con lợn trưởng thành thải ra khoảng 1,5kg chất thải; trâu, bò khoảng 15kg và gia cầm 0,2kg.
Với tổng đàn gia súc, gia cầm như hiện nay, mỗi năm, các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn huyện phát sinh ít nhất trên 100 nghìn tấn chất thải chăn nuôi. Nếu không được xử lý triệt để, lượng chất thải khổng lồ này có thể sẽ là tác nhân gây ÔNMT nghiêm trọng tại khu vực nông thôn. Nhưng nếu được áp dụng rộng rãi máy ép chất thải thành phân bón hữu cơ thì không những sẽ giải quyết được bài toán ÔNMT trong chăn nuôi, mà còn tạo ra một lượng lớn phân bón hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Mặc dù, máy ép chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ mới chỉ được áp dụng tại một số trang trại trên địa bàn huyện trong thời gian gần đây, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, biện pháp này rất hiệu quả, không chỉ góp phần giảm thiểu ÔNMT mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho các trang trại từ việc bán phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và tham mưu với UBND huyện có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích thêm nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện áp dụng rộng rãi biện pháp xử lý chất thải này.