Mặc dù không phải là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương nhưng những năm qua, các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) ở T.P Thái Nguyên đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn. Để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, Thành phố tiếp tục khuyến khích các cơ sở đẩy mạnh sản xuất, đồng thời mở hướng liên kết thành lập các hợp tác xã (HTX), làng nghề TTCN tập trung để cùng phát triển.
Xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng. Cùng với sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân ở đây còn có nghề làm bún, tráng bánh cuốn. Ông Đỗ Đình Điện, Trưởng xóm Gò Chè cho biết: Nghề làm bún, tráng bánh cuốn ở đây có từ rất lâu và đến nay đã phát triển thành làng nghề, với trên 30 hộ thường xuyên làm bún, bánh. Nhờ có nghề này, nhiều hộ trở nên khá giả. Bình quân mỗi hộ có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng từ làm bún, bánh, hộ làm nhiều khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Đối với các xã thuộc vùng chè Tân Cương, hiện nay nhiều hộ dân đã liên kết với nhau để thành lập HTX chế biến chè. Đơn cử như HTX Trà Sơn Dung ở xã Phúc Xuân, trước kia chỉ là cơ sở sản xuất, kinh doanh chè nhỏ lẻ, đến cuối năm 2018 đã thành lập HTX. Hiện nay, HTX có 14 thành viên, sản xuất chủ yếu là các loại trà: Đinh, móc câu, tôm nõn, túi lọc 3D. Ngoài ra, HTX còn sản xuất trà gừng, trà chanh, trà xả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX cho hay: HTX thường xuyên tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động, thu nhập của các lao động đạt khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, ngoài những cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm tập trung như làng nghề bún, bánh Gò Chè; các HTX chế biến chè tại vùng chè Tân Cương, trên địa bàn Thành phố hiện nay còn có các nhóm nghề TTCN tạo ra sản phẩm có tiềm năng, lợi thế như: Sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp luyện kim, cơ khí… Nếu như năm 2015, T.P Thái Nguyên mới có trên 1.300 hộ sản xuất ở lĩnh vực TTCN, thu hút trên 2.500 lao động thì đến nay trên địa bàn đã có gần 3.000 hộ sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực TTCN, thu hút trên 4.000 lao động.
Xác định TTCN là ngành kinh tế không thể thiếu trong nền kinh tế chung của Thành phố, trong những năm qua, T.P Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực này phát triển. Theo đó, T.P Thái Nguyên đã phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau như: Hỗ trợ các cơ sở đầu tư mua máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; tập huấn nâng cao kiến thức quản lý cho giám đốc các HTX, chuyển giao KHKT nâng cao tay nghề cho lao động, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Riêng nguồn vốn từ Chương trình khuyến công Quốc gia do Trung tâm Khuyến công của Sở Công Thương triển khai hỗ trợ là trên 6 tỷ đồng.
Nghề làm bún, tráng bánh cuốn giúp nhiều hộ dân ở xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) nâng cao thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên khẳng định: Trong những năm gần đây, lĩnh vực TTCN của T.P Thái Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tăng thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt đối với lao động vùng nông thôn. Cũng nhờ TTCN phát triển cũng đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt từ 4.500 tỷ đồng năm 2015 lên 8.500 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, ông Ngô Danh Thùy cũng thẳng thắn cho rằng: Sản xuất TTCN trên địa bàn Thành phố trong những năm qua đã có bước phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiểm năng lợi thế và nguồn lực của địa phương, tốc độ phát triển TTCN còn chậm.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 75 HTX sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tham mưu với lãnh đạo UBND Thành phố đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông nghiệp, đặc biệt là chế biến chè. Vì hiện nay, diện tích chè của Thành phố là gần 2.000ha, với sản lượng chè khô đạt gần 20.000 tấn mỗi năm…
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Để thúc đẩy ngành nghề TTCN phát triển, thời gian tới, Thành phố sẽ xây dựng những giải pháp mang tính căn cơ, cụ thể như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp chế biến nông nghiệp theo hướng sản phẩm sạch, nhân rộng mô hình sản xuất và số lượng HTX nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm Trà thuộc vùng chè đặc sản Tân Cương. Bên cạnh đó, thu hút các hộ sản xuất TTCN, đặc biệt đối với các hộ sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng vào các cụm công nghiệp để tạo ra nhóm sản phẩm hàng hóa có số lượng lớn có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tiếp tục hỗ trợ, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, làng nghề, HTX đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh…