Na Sàng ngày ấy, bây giờ

09:11, 20/09/2020

Mỗi một lần trở lại bản người Mông Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) tôi luôn cảm giác như mình được trở về nhà vậy. Cứ lâu lâu, tôi lại lên Na Sàng, thăm Trưởng bản Hoàng Văn Nhính để cảm nhận được sự đổi thay nơi đây. Lần này trở lại Na Sàng, trời mưa rả rích, cho xe chạy chầm chậm trên con đường bê tông uốn lượn, chúng tôi càng thấy rõ “giá trị” của con đường mới.   

Đường hạ thấp, dân trí nâng cao

Còn nhớ năm 2004, lần đầu tiên vào Na Sàng, tôi đã không thể điều khiển thành công "con ngựa sắt” của mình để vượt dốc, xuống đèo mà phải nhờ một cán bộ địa phương dẫn đường. Hôm ấy trời trong, đường khô ráo nhưng phải mất hơn mất hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua được con đường lên dốc, xuống đèo, lổn nhổn sỏi đá để đến được bản Mông này. Nằm gọn trong thung lũng, khi ấy, Na Sàng chỉ có hơn chục nóc nhà. Những ngôi nhà lá với những bức vách sơ sài không ngăn nổi cái lạnh thấu xương của những ngày đông giá. Trong ngôi nhà đơn sơ của vị trưởng bản trẻ tuổi (khi ấy Nhính mới 25 tuổi), tôi cảm nhận được ước muốn vươn lên của anh. Dẫu vậy, anh thừa nhận với tôi rằng, con đường chính là rào cản lớn nhất khiến cho khát vọng vươn lên của người Mông Na Sàng gặp nhiều trở ngại.

Khi chưa có con đường mới, người dân Na Sàng phải vượt dốc, xuyên qua đỉnh núi để về bản.. Ảnh chụp tháng 1-2012.

8 năm sau (năm 2012), vào một ngày mùa đông mưa phùn, gió bấc, tôi đã trở lại Na Sàng để gặp Nhính, vị trưởng bản đã mạnh dạn bỏ ra hơn 70 triệu đồng để mở đường lên núi, phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, thu hoạch gỗ rừng của gia đình anh và nhiều hộ dân trong bản. Vượt qua quãng đường trắc trở, đến chân núi, không thể đi bằng xe máy, tôi và đồng nghiệp đã dò dẫm đi bộ trên con dốc trơn trượt vào bản. Lần này, hành trình của chúng tôi gặp khó khăn hơn rất nhiều so với lần trước vì mưa phùn đã kéo dài vài ngày. Khi ấy, con đường vào bản giống như một bãi bùn lầy. Trong cuộc đời làm báo của mình, dù đã đi nhiều nơi, đến những vùng quê còn nhiều gian khó nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác chơi vơi, chống chếnh như khi bước đi trên con đường vào Na Sàng năm ấy. Lên đến đỉnh dốc khi trời đã quá trưa, bên phải là vách núi, bên trái là vực thẳm sâu hun hút, mồ hôi đổ xuống trong cái lạnh 7, 8 độ C. Trải nghiệm ấy giúp tôi hiểu và cảm thông với những vất vả, nhọc nhằn của người dân nơi này.

Năm 2015, tôi lại có dịp trở lại Na Sàng. Con đường vào bản lần này không làm khó tôi nữa bởi con đường xuyên qua đỉnh núi năm nào giờ đã bị người dân “lãng quên” khi một cung đường mới (xây dựng theo Đề án 2037 Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020) ngay dưới chân núi hình thành và được đổ bê tông. Ngắm nhìn con đường mới, tôi không dám tin vào mắt mình. Mới có 3 năm, bản người Mông này đã đổi thay nhiều lắm. Đó là một sự “lột xác” ngoạn mục, vượt rất nhiều lần so với những đổi thay từ năm 2004 đến năm 2012. Ấn tượng nhất là những ruộng lúa mùa đương thì con gái mang lại cho những người lần đầu đến đây cảm giác thanh bình, no ấm. Thay vì chỉ có hơn chục hộ dân, giờ Na Sàng đã có gần 30 nóc nhà. Trong mỗi nếp nhà của dân bản, từng vựa lúa, vựa ngô vẫn còn đầy ăm ắp…

Trở lại Na Sàng lần thứ tư này, tôi đã vô cùng thân quen với những con người và vùng đất nơi đây. Để tạo cho vợ chồng Nhính sự ngạc nhiên, chúng tôi đến mà không báo trước. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là ngôi nhà của vị trưởng bản đang có rất đông khách. Thật vui khi Nhính thông báo đang chuẩn bị khởi công làm ngôi nhà mới to đẹp, chắc chắn hơn. Nhính bảo: Con đường chính là “bùa hộ mệnh” của dân bản đấy. Vui nhất là việc học hành của con trẻ đã thuận lợi hơn rất nhiều. Trước đây, từ nhà đến trường chỉ vài cây số nhưng lũ nhỏ phải đi mất hơn một giờ đồng hồ. Giờ thì thời gian đến trường chỉ mất hơn chục phút...

Chúng tôi cảm nhận được thẳm sâu trong suy nghĩ của vị trưởng bản niềm vui không hề nhỏ. Nhính khoe với chúng tôi rằng bản Mông Na Sàng không có người mù chữ. Bản đã có hai người tốt nghiệp đại học; một người (con gái Nhính) đang theo học năm thứ 5 tại Trường Đại học Y- Dược Thái Nguyên; 4 người đã tốt nghiệp bậc THPT. Mừng nhất là bản đang có hơn 50 em trong độ tuổi đi học (từ mầm non đến THPT). Các em đều được bố mẹ tạo điều kiện để học lên cao với ước mong có chữ, có tri thức để đẩy lùi cái nghèo.

Thật không “ngoa” khi nói rằng tỷ lệ nghịch với con đường được hạ thấp là trình độ dân trí ở Na Sàng được nâng cao. Không còn xa xôi, cách biệt với bên ngoài nữa, bản Mông nơi đây đã hiện hữu một vóc dáng mới, hiện đại, văn minh hơn nhưng vẫn giữa gìn được những nét đẹp văn hóa của người Mông trong ngày lễ, Tết, cưới xin…

Cây xanh rừng, chè xanh vườn

Sau bữa cơm đầm ấm với gia đình Nhính, chủ, khách cùng nhau ngồi trước hiên nhà ngắm đỉnh núi sừng sững trước mặt. Khung cảnh này đã quen thuộc với chúng tôi lắm! Nhưng điều khiến tôi thấy thú vị là những đám mây lững lờ ôm trọn đỉnh núi cao. Thật hiếm khi đỉnh núi ở Na Sàng dầy đặc mây như vậy, nó khiến vùng quê này càng trở nên thơ mộng. Vợ Nhính, chị Lý Thị Lỵ cười lý giải: Chỉ những hôm trời mưa hoặc những ngày đông lạnh cắt da, cắt thịt, đỉnh núi này mới nhiều mây như vậy.

Cảnh đẹp, con người thân thiện, chất phác, trong mỗi câu chuyện của chủ lại mở ra cho khách những thông tin vô cùng thú vị. Đưa tay chỉ lên đỉnh núi, Nhính giới thiệu: Đó toàn là rừng tự nhiên, dân bản ai cũng có ý thức giữ rừng. Phía dưới thấp là những khu rừng sản xuất của bà con đấy. Cả phía bên kia nữa, cũng đều là rừng keo 3, 4 năm tuổi rồi.

Theo hướng tay của Nhính, tôi nhìn phía trước rồi lại nhìn về phía sau, đâu đâu cũng thấy những rừng keo xanh mướt mắt. Nếu như 5 năm trước, nhiều khu rừng mới được phát dọn thực bì, có những khoảnh rừng, cây mới trồng chưa bén rễ, thì nay, cây đã bao phủ, nhiều diện tích rừng vừa khai thác, gỗ vẫn còn để gọn gàng dưới chân rừng. Vậy là sự thắc mắc vì sao Na Sàng có nhiều ngôi nhà xây kiên cố, vững chãi, hiện đại của tôi đã được lý giải. Kinh tế rừng chính là một trong những “bệ phóng” để người Mông nơi đây thoát nghèo, làm giàu.

Nhờ đầu tư phát triển kinh tế rừng, gia đình anh Hoàng Văn Bình, Bí thư Chi bộ Na Sàng đã xây được ngôi nhà kiên cố.

Bí thư Chi bộ bản Na Sàng, anh Hoàng Văn Bình hỉ hả: Ở Na Sàng, nhà nào cũng có rừng, ít chừng 2ha, nhà gần 10ha. Mạnh dạn đầu tư trồng, chăm sóc, chỉ 5, 6 năm là rừng cho thu hoạch rồi. Với giá bán gần 100 triệu đồng/ha, sau khai thác, bà con thu về được khoản tiền không nhỏ để tích lũy và tái đầu tư.

Như để minh chứng, vị Bí thư Chi bộ mới ngoài 30 tuổi viện dẫn những gia đình đã giàu lên từ rừng như hộ ông Hoàng Văn Phụng, Lý Văn Sình, Hoàng Văn Nhính… đều có gần 10ha rừng. Các hộ này đã qua một lần thu hoạch gỗ nên có tiền để xây nhà, mua xe máy đắt tiền, lo cho con đi học lên cao…

Tuy không nói nhiều về mình, nhưng qua lời kể của một số người dân trong bản, chúng tôi được biết, gia đình Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Bình cũng là hộ có được sự ấm no từ những khu rừng sản xuất ấy. Gia đình anh đang “sở hữu” 5 ha rừng keo 4 năm tuổi. Ở lần thu hoạch trước, vị Bí thư Chi bộ trẻ tuổi này đã “đút túi” vài trăm triệu đồng. Không cần nghe giải thích, chỉ ngắm ngôi nhà xây khang trang còn nồng thơm mùi vữa, chúng tôi hiểu, rừng có ý nghĩa thế nào đối với đời sống kinh tế của vợ chồng anh Bình và người Mông nơi đây.  

Ngoài những cánh rừng xanh ngút tầm mắt, những vườn chè đang trổ búp non mỡn cũng là điểm nhấn để khung cảnh bản người Mông Na Sàng thêm sinh động. Trưởng bản Hoàng Văn Nhính bật mí: Diện tích trồng ngô thu hẹp nhưng diện tích trồng chè lại tăng nhanh. Hiện nay, Na Sàng đã có 7ha chè, trong đó hầu hết đều được trồng bằng giống mới như LDP1, TRI 777. Với năng suất đạt trên 110 tạ chè búp tươi/ha (5kg chè tươi được 1kg chè búp khô), giá bán trên dưới 200.000 đồng/kg, chè cũng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con. 

Một ngày ở Na Sàng, vui chân từ nhà nọ sang nhà kia, ngắm những ngôi nhà xây chắc chắn, mục sở thị con đường lên núi Nhính “mở” 8 năm trước, chúng tôi thấy vui cho sự đổi thay hôm nay của bản Mông nơi đây. Trước khi chia tay, Nhính hào hứng: 20 năm trước, Na Sàng hoang vu lắm, cỏ mọc nhiều hơn lúa, ngô. Đêm bản như chìm trong bóng đen vô tận. Có lúc Nhính muốn bỏ cuộc, về ở gần với bố mẹ ở Khe Cạn, Văn Lăng (Đồng Hỷ). Còn bây giờ, Na Sàng đông vui rồi, đi một đoạn đường ngắn đã ra đến đường rộng lớn (cao tốc mới Thái Nguyên - Chợ Mới); chỉ mất hơn 30 phút là về đến thành phố. Những hôm bên nhà bố mẹ có việc, Nhính chỉ qua đó nửa ngày là đã muốn về Na Sàng. Bản mình đã có con đường mới, có điện lưới Quốc gia và cả ánh sáng tri thức nữa…

Niềm vui đong đầy nơi khóe mắt vị trưởng  bản, chúng tôi mong một thời gian nữa quay lại, Na Sàng sẽ có sự đổi thay vượt bậc hơn.