Những năm qua, huyện Phú Bình đã tập trung đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ (TMDV), quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Qua đó, từ một huyện được coi là thuần nông, đến nay, trên địa bàn đã có 2 khu công nghiệp (KCN), 2 cụm công nghiệp (CCN), thu hút 51 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản (từ 57% năm 2010 đến nay còn 18,8%).
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Phú Bình có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, phía Tây giáp với KCN Yên Bình, phía Đông bám Quốc lộ 37 thông thương với các tỉnh, thành phố có tốc độ thu hút đầu tư, phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ như Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội, do đó huyện được coi là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư. Những năm qua, với định hướng chung của tỉnh đề ra là tập trung tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương làm tốt công tác dân vận, giải phóng mặt bằng, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đồng thời, quan tâm, nâng cao công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Là một trong những hộ dân “mất đất” và được đền bù tiền từ dự án xây dựng KCN Điềm Thụy, gia đình anh Dương Văn Bình, ở xóm Trạng, xã Điềm Thụy đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cửa hàng tạp hóa rộng gần 300m2, 10 ki-ốt và 18 phòng trọ cho thuê, trung bình mỗi tháng thu về trên 40 triệu đồng. Anh Bình chia sẻ: Nhà tôi có hơn 1 mẫu đất ruộng, trước đây cả 4 người trong gia đình đều quanh năm bám ruộng trồng lúa, cuộc sống rất vất vả. Từ khi có CCN và KCN Điềm Thụy, thu hút một lượng lớn công nhân đến lưu trú, tôi lần lượt xây cửa hàng và phòng trọ, ki-ốt cho thuê. Được địa phương tạo các điều kiện về hồ sơ, thủ tục, đảm bảo an ninh trật tự, hoạt động kinh doanh của gia đình tôi đều thuận lợi, có nguồn thu ổn định.
Xã Xuân Phương (Phú Bình) khuyến khích nhân dân địa phương phát triển nghề mộc mỹ nghệ để tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Ảnh: A.N
Không riêng gia đình anh Bình, kinh tế của nhiều hộ dân ở xã Điềm Thụy phát triển khá nhanh so với trước đây. Theo ông Nguyễn Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy: Sự xuất hiện của CCN và KCN Điềm Thụy đã tác động tích cực đến tốc độ phát triển kinh tế và diện mạo của địa phương, thay đổi cơ bản đời sống nhân dân trên địa bàn. Tính đến nay, trên địa bàn xã đã có 35 nhà máy đi vào hoạt động sản xuất, có 621 cơ sở, hộ kinh doanh TMDV, công nghiệp vận tải (tăng trên 200 cơ sở so với năm 2014). Cơ cấu nền kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (hiện còn 10%), tăng nhanh ngành công nghiệp, xây dựng và TMDV (hiện đạt 90%). Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng từ 10,5 tỷ đồng (năm 2015) lên 28,5 tỷ đồng (năm 2019).
Cùng với xã Điềm Thụy, 19 xã, thị trấn trong huyện cũng đã tập trung phát huy thế mạnh riêng của địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cụ thể như: Các xã miền núi như Tân Khánh, Tân Thành, Tân Hòa, Bàn Đạt, Tân Kim… phát triển trồng rừng với ngành nghề chế biến lâm sản; các xã, thị trấn ven Quốc lộ 37 và các tuyến tỉnh lộ tập trung phát triển ngành nghề TMDV, xây dựng... Hiện, toàn huyện có gần 3.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trên 8.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh (tăng trên 1.500 cơ sở so với năm 2015). Đây chính là “nguồn” giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đặc biệt là các ngành nghề phi nông nghiệp. 5 năm qua, toàn huyện đã đào tạo việc làm cho hơn 6.000 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ người trong độ tuổi lao động qua đào tạo hiện chiếm đến 70,34%, số lao động có văn bằng, chứng chỉ là 30,65%... Hàng nghìn người đã được tuyển dụng vào làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp và có thu nhập ổn định. Chị Đặng Thị Mai Phương, người dân xóm Trung Đình, xã Bàn Đạt chia sẻ: Thông qua chương trình tư vấn giới thiệu việc làm, tôi đã được Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Chi nhánh Phú Bình tuyển dụng. Hiện nay tôi có thu nhập ổn định với mức 6-7 triệu đồng/tháng.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, cơ cấu kinh tế huyện Phú Bình đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 59 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,83% (năm 2015) xuống còn 2,29% (năm 2020)... Đời sống ổn định, nhân dân tích cực đóng góp đối ứng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện, Phú Bình là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả trên chính là tiền đề để Phú Bình tiếp tục bứt phá, phấn đấu từ nay đến năm 2022 đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới và đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chuẩn thị xã.