Chúng tôi đến xóm Phú Lợi, xã Bàn Đạt (Phú Bình) sau cơn mưa bất chợt đầu giờ sáng. Dưới ánh nắng vàng trong, những nương chè trông càng mơn mởn, đầy sức sống. Màu xanh của chè hòa với màu ngói đỏ của những ngôi nhà khang trang tạo bức tranh no ấm của người dân làng nghề chè nơi đây.
Gia đình chị Đào Thị Phương là hộ có diện tích chè nhiều nhất xóm Phú Lợi và là một trong những hộ đầu tiên trồng chè cành tại địa phương chia sẻ: Từ năm 2012, gia đình tôi chuyển dần những diện tích đồi trồng keo, ruộng cao trồng lạc, đỗ, sang trồng chè cành. Đến nay, gia đình đã có hơn một mẫu chè. Sản lượng chè của gia đình ổn định ở mức 1,5 tạ chè búp khô mỗi lứa, mỗi năm thu hái được 8 lứa, giúp gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ cây chè nên gia đình đã mua được ô tô 4 chỗ để chạy dịch vụ đưa đón khách, nâng cao thu nhập.
Nhanh tay hái những búp chè non, vợ chồng anh Trần Văn Thắng, chị Nguyễn Thị Chiến chia sẻ: Với 4 sào chè, để kịp thu hái, chế biến được sảm phẩm có chất lượng, chúng tôi phải bố trí cho chè mọc lệch lứa, chú ý cách bón phân, chăm sóc đúng kỹ thuật. Từ khi xóm được công nhận là làng nghề, Nhà nước đã đầu tư hệ thống đường điện, làm đường bê tông nên càng thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của người dân. Nhờ vậy mà sản phẩm trà của gia đình tôi làm đến đâu đều được tư thương vào tận nhà tiêu thụ đến đó.
Phú Lợi là 1 trong số 4 làng nghề chè của huyện Phú Bình được UBND tỉnh công nhận năm 2015. Đến nay, Phú Lợi có 20ha chè, được trồng bằng các giống chè chất lượng cao như: LDP1, 777, Kim Tiên. Ông Trần Văn Lập, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Phú Lợi cho biết: Trước năm 2015, cuộc sống của bà con rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 50%, do đất đai cằn cỗi mà không có hồ đập, kênh mương dẫn nước tưới. Khi đó, bà con chỉ cấy được 1 vụ lúa, trồng sắn, trồng lạc và đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Khi Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai Dự án trồng chè giâm cành tại xóm, đông đảo bà con đã nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay tiền thuê máy múc để san gạt đồi, lấp ao để trồng chè. Đến nay, toàn xóm có 40/65 hộ dân trồng chè. Từ cây chè, nhiều hộ đã có điều kiện vươn lên. Hiện, cả xóm chỉ còn 8 hộ nghèo.
Ông Hoàng Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt cho biết: Với diện tích hiện có, Làng nghề chè Phú Lợi sản xuất khoảng 105 tấn chè búp tươi/năm, tăng 60 tấn so với năm 2015. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chè, xã luôn tạo các điều kiện để người làm chè trong xã được tập huấn khoa học kỹ thuật; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mua may móc và mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Năm 2019, xã Bàn Đạt đã thành lập Hợp tác xã chè Phú Lợi, qua đó giúp tập hợp những hộ làm chè, hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, chế biến và hướng tới việc sản xuất theo một tiêu chuẩn an toàn, từng bước hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho các xã viên.
Tuy đã có những kết quả tích cực nhưng so với nhiều nơi, sản phẩm trà của Phú Lợi có giá trị chưa cao. Vì thế, chính quyền xã mong muốn trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục tạo điều kiện để người trồng chè nơi đây được tiếp cận với phương pháp sản xuất chè theo hướng VietGAP hoặc hữu cơ, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân làm giàu từ cây chè.