Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong cả nước giai đoạn 2016-20220. Sau gần 4 năm triển khai, hoạt động thanh toán điện tử đã có những chuyển biến tích cực. Để có cơ sở đánh giá, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục có giải pháp tăng cường hoạt động này, đồng thời rà soát, đánh giá báo cáo Chính phủ trước ngày 1/11/2020.
Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, hiện nay cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán điện tử đã được chú trọng đầu tư, phát huy hiệu quả. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử phát triển mạnh, đa dạng; nhiều phương tiện hiện đại, tân tiến đã được nghiên cứu và áp dụng khá phổ biến, nhất là thanh toán qua thiết bị di động. Tuy nhiên, thời gian triển khai còn ít, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân chưa thay đổi nhiều nên chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với nhiệm vụ đặt ra. Việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn... Do đó, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về tính tiện ích của thanh toán điện tử khi giao dịch, đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên giữa vai trò chủ đạo trong triển khai các giải pháp cung ứng thanh toán điện tử. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ đáp ứng yêu cầu thanh toán điện tử. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp không dùng tiền mặt trong thu ngân sách, trả lương, các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát phòng chống rửa tiền, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử.
Được biết, hệ thống các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới qua Website, qua Internetbanking, mobibanking, POS... Đặc biệt, đã khuyến khích các ngân hàng cung cấp tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu, có tính năng kết nối với thẻ ATM cho các đối tượng chính sách để gửi, rút và chuyển tiền giá trị nhỏ.
Thời gian qua, các đơn vị cung cấp dịch vụ công thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, thuế, hải quan… đã tăng cường thực hiện thanh toán qua ngân hàng trong hoạt động thu và chi trả dịch vụ. Ưu tiên và khuyến khích đối tác, người tiêu dùng, nhất là ở vùng nông thôn thanh toán qua thiết bị di động dựa trên các san phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số. Hiện nay, hạ tầng thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh khá thuận tiện. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể cài đặt và sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng đối với việc chuyển tiền, mua hàng, đặt phòng nghỉ, thanh toán vé máy bay, tiền điện, nước, viện phí, học phí…
Như vậy, có thể thấy, hạ tầng thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh đã phát triển khá tốt; tính ưu việt của các loại dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã được khẳng định, nhưng thực tế việc áp dụng của người dân vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Chúng ta đều biết, thanh toán điện tử sẽ giảm chi phí và tăng tính minh bạch, nên ngoài đẩy mạnh cung ứng dịch vụ cần mở rộng hình thức tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, nhất là vai trò của người đứng đầu trong thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.