Hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mọi lĩnh vực. Xuất phát từ thực tiễn đó, để từng bước đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, huyện Phú Lương đã triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích các cá nhân, đơn vị liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân ở huyện Phú Lương chủ yếu nhỏ lẻ, ít có sự liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Điều này khiến năng suất, chất lượng và giá trị các mặt hàng không cao, chưa có chỗ đứng trên thị trường. Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã triển khai 17 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Các đơn vị, HTX tham gia được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; vật tư nông nghiệp; máy móc; cây, con giống; quảng bá và nhận diện sản phẩm… Đến nay, đã có 9 dự án hoàn thành, còn lại đang trong quá trình thực hiện. Việc triển khai các dự án không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị cho người dân.
Anh Đinh Văn Tuấn, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Đồng Tâm, xã Động Đạt cho biết: Trước đây, chúng tôi đã đầu tư nuôi gà Ai Cập lai lấy trứng với quy mô 2 nghìn con. Những năm gần đây, nhận thấy thị trường đầu ra của sản phẩm trứng gà ngày càng tăng, tôi có ý định tăng đàn nhưng chưa đủ vốn để đầu tư con giống và mua thức ăn chăn nuôi. Sau khi được phê duyệt là đơn vị chủ trì dự án “Phát triển chăn nuôi gà Ai Cập lai” vào năm 2019, HTX đã được hỗ trợ 500 triệu đồng để mua 4 nghìn con gà Ai Cập giống; máy trộn và máy nghiền thức ăn; đăng ký mã vạch, mã QrCode; thiết kế in bao bì, tem nhãn… Từ nguồn hỗ trợ này, chúng tôi đã chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi. Hơn nữa, nhờ sản phẩm có mã, bao bì nhận diện sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, nên chúng tôi đã liên kết tiêu thụ với một số HTX và Công ty dưới Hà Nội với số lượng lớn và ổn định.
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, huyện cũng chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất cây lương thực, cây chè tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất chè ở các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc (chiếm 70% diện tích chè toàn huyện); vùng sản xuất lúa nếp vải, nếp cái hoa vàng quy mô trên 150ha tại xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch; vùng sản xuất lúa bao thai giống nguyên chủng với quy mô 150ha tại Phấn Mễ, Cổ Lũng, thị trấn Đu…
Đi liền với đó, huyện cũng đã và đang khuyến khích phát triển kinh tế tập thể để thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện nay, toàn huyện có 39 HTX nông nghiệp, 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè, rau; 42 làng nghề. Trong đó chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè. Hàng năm, huyện đều có các chính sách hỗ trợ máy móc, tập huấn, xúc tiến thương mại cho các HTX, làng nghề để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiện, trên địa bàn huyện có 15 mô hình kinh tế đã hình thành liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật như: HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh); Cơ sở sản xuất chè Hoan Xuyến (xã Vô Tranh); Công ty TNHH thảo dược HENAVA; Công ty TNHH ROVA - VINA; Công ty dược phẩm thiên nhiên DK…
Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Nhằm tiếp tục nhân rộng, hình thành những mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp bền vững, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tham mưu xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hộ cá thể, đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng liên kết với nhau để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.