Tiếp sức cho công nghiệp nông thôn phát triển

08:58, 15/09/2020

Những năm gần đây, thông qua nguồn vốn khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã (HTX), làng nghề trên địa bàn huyện Đại Từ đã được hỗ trợ mua máy móc, thiết bị với công nghệ hiện đại để phát triển sản xuất. Từ đó giúp các cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm và gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Luận Nga, ở tổ dân phố Liên Sơn, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) được thành lập từ năm 2004, với các sản phẩm chủ yếu là giường, tủ, bàn ghế, tranh gỗ, đồ thờ… Ban đầu, do nguồn vốn hạn hẹp, cơ sở chưa thể đầu tư đồng bộ máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất mà chủ yếu sử dụng máy móc cũ nên năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Để giúp đỡ cơ sở phát triển, cuối năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã hỗ trợ 95 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương giúp cơ sở này đầu tư mua máy điêu khắc gỗ CNC 8 đầu khắc. Đây là loại máy tiên tiến được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài, có nhiều ưu điểm nổi bật, như: sử dụng công nghệ tự động điều khiển bằng vi tính, cho phép gia công các sản phẩm có độ chính xác, tinh sảo và độ phức tạp cao mà các máy công cụ truyền thống không làm được; năng suất lao động cao hơn 8-10 lần so với sản xuất thủ công; giảm ô nhiễm tiếng tiếng ồn và bụi. Nhờ đó, cơ sở đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, nhân công lao động và cải thiện môi trường làm việc cho công nhân.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ Mơ Hữu, ở xóm 7, xã Phú Xuyên (Đại Từ) được hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn khuyến công để mua máy điêu khắc gỗ CNC, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đồ gỗ nội thất. Ảnh: N.N 

 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Công Luận, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Luận Nga phấn khởi cho biết: Từ khi có máy điêu khắc gỗ CNC, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Các sản phẩm làm ra nhanh, đồng đều về kiểu dáng và kích thước, bảo đảm chất lượng nên cơ sở có thêm nhiều đơn đặt hàng hơn. Hiện nay, doanh thu hằng tháng của cơ sở đạt trên 200 triệu đồng, tăng gấp đôi với trước. Cơ sở đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng...  

Tương tự, khi mới thành lập vào đầu năm 2019, HTX chè Thanh Tình, xóm Ba Giăng, xã Bản Ngoại chưa có điều kiện đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, sản phẩm của các thành viên HTX chủ yếu được chế biến thủ công nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao. Đầu năm 2020, thông qua nguồn vốn khuyến công địa phương, HTX được hỗ trợ 180 triệu đồng để mua sắm một số loại máy móc hiện đại như: Tôn sao chè tự động bằng gas; máy sấy chè; máy đóng gói hút chân không…

Ông Trần Văn Tình, Giám đốc HTX Chè Thanh Tình chia sẻ: Sau khi được hỗ trợ mua sắm máy móc hiện đại, năng suất và chất lượng sản phẩm chè của HTX đã được nâng lên rõ rệt. Việc sử dụng tôn sao chè tự động bằng gas thay thế tôn quay đun bằng củi giúp cho sản phẩm chè không bị ám khói bụi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nước chè xanh hơn, cánh chè xoăn đều. Còn sử dụng máy đóng gói hút chân không giúp cho khâu bảo quản sản phẩm chè được tốt hơn. Nếu như chè để ở điều kiện bình thường chỉ bảo quản được hơn 1 tháng, sau khi đóng hút chân không có thể bảo quản được 5, 6 tháng mà vẫn thơm ngon. Hiện nay mỗi tháng, HTX sản xuất và bán ra thị trường khoảng 2,5 tấn chè với giá bình quân từ 400-700 nghìn đồng/kg. 

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, huyện Đại Từ đã triển khai hỗ trợ 32 đề án bằng nguồn vốn khuyến công Quốc gia và khuyến công địa phương, với tổng kinh phí thực hiện trên 18 tỷ đồng. Với phương châm hướng đến các đơn vị sản xuất còn gặp khó khăn về nguồn vốn song mô hình sản xuất có tính khả thi, nguồn vốn khuyến công đã kịp thời khuyến khích, hỗ trợ các sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần tạo dựng nên thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: chè, đồ gỗ gia dụng, vật liệu xây dựng, hàng may mặc…

Đánh giá về hiệu quả của các đề án khuyến công trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ cho biết: Việc triển khai các đề án khuyến công đã tạo động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp nông thôn và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên hiện nay, nguồn kinh phí khuyến công chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí thêm nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển hiệu quả và bền vững hơn.