Nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức trong việc tuyên truyền, vận động đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Xã Bình Sơn có 25 xóm, gần 9.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21% số dân, gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Thái. Số hộ theo đạo Thiên Chúa là 54 hộ, với 210 nhân khẩu. Đồng chí Dương Hồng Vượng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xã đã tích cực đổi mới nội dung, phương pháp vận động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể. Để có thể thuyết phục được người dân thì người làm công tác vận động phải thật sự gần gũi, hiểu được văn hóa, tâm lý của đồng bào. Chính vì vậy, Đảng ủy xã đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của những người có uy tín ở cộng đồng người dân tộc, đồng bào có đạo.
Chúng tôi có dịp cùng các tuyên truyền viên đi cơ sở mới thấy được sự nhiệt tình, kiên nhẫn và những khó khăn của họ. Việc vận động nhân dân không chỉ là thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, mà còn nhiều việc khác, như vận động nhân dân, đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng; thay đổi cách làm kinh tế sao cho hiệu quả; không vướng vào tệ nạn xã hội; loại bỏ hủ tục, mê tín...
Để bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, UBND xã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Ngoài ra, xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội của thành phố tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số, người có đạo vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, mở rộng ngành nghề kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Ông Trương Văn Cường, Bí thư Chi bộ xóm Lát Đá cho biết: Xóm có 90 hộ, trong đó chỉ có 5 hộ là dân tộc kinh, còn lại đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào công giáo có 3 hộ. Trước đây, xóm khó khăn về mọi mặt, kinh tế nghèo nàn, bà con chủ yếu trông vào cây chè, nhưng hầu hết diện tích chè ở đây đều là giống chè trung du già cỗi, năng suất thấp, nên thu nhập chẳng đáng là bao. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, bà con đã phá bỏ diện tích chè giống cũ để thay thế bằng giống chè cành, nhờ đó mà thu nhập được nâng lên đáng kể, đến nay, xóm chỉ còn 2 hộ nghèo.
Cùng với phát triển kinh tế, bà con xóm Lát Đá còn đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Chỉ trong gần 5 năm, người dân xóm Lát Đá đã đóng góp hơn 500 triệu đồng, hàng trăm ngày công lao động, hiến gần 2.000m2 đất, tự nguyện chặt cây cối, phá dỡ tường rào để phục vụ mở rộng đường giao thông.
Không riêng xóm Lát Đá, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo, nên những năm gần đây, người dân trong xã đã biết đầu tư phát triển kinh tế, chung sức, đồng lòng xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt quy chế dân chủ, đoàn kết cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, xóm văn hóa, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ. Đồng bào tôn giáo sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Kính Chúa yêu nước”.
Từ năm 2015 đến nay, xã đã làm được gần 100km đường giao thông, hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Bình Sơn, Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, cầu Linh Sơn, Trạm Y tế xã, nhà lớp học 2 tầng Trường Tiểu học, nhà lớp học 2 tầng Trường THCS, xây dựng 8 nhà văn hóa xóm...
Tỷ lệ xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa là 77%, gia đình văn hóa đạt 93,3%. Đến nay, toàn xã còn 13 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo, chiếm 0,58% tỷ lệ hộ nghèo toàn xã. Đời sống nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng tín ngưỡng của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.