Một giải pháp nhiều lợi ích

09:26, 10/10/2020

Ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi là một trong những vấn đề tồn tại khó tìm hướng xử lý tại nhiều địa phương. Tại xã Phú Thượng (Võ Nhai), Hội Nông dân xã đã triển khai thành công mô hình sử dụng đệm lót sinh học nuôi lợn không gây ô nhiễm môi trường do chất thải và còn giảm thiểu công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đệm lót sinh học là lớp đệm sàn thường được làm từ vỏ trấu, mùn cưa, bột ngô và chế phẩm sinh học có tác dụng phân giải chất thải chăn nuôi, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối. Từ tháng 6-2020, với sự hỗ trợ của Tổ chức phi chính phủ Rare (hoạt động trên lĩnh vực giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Việt Nam), Hội Nông dân xã Lâu Thượng đã triển khai thí điểm ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn cho hội viên trên địa bàn. Đã có 22 hội viên nông dân chăn nuôi được tập huấn các kỹ thuật xây dựng chuồng trại, làm đệm lót sinh học, trong đó 2 hộ được trực tiếp hỗ trợ kinh phí gần 20 triệu đồng triển khai mô hình.

Hộ gia đình ông Vũ Văn Dũng ở xóm Đất Đỏ là một trong 2 hộ thí điểm triển khai mô hình. Ngoài hỗ trợ của dự án, ông Dũng đã đầu tư xây dựng khu vực chuồng mới với diện tích 40m2 để nuôi 30 con lợn trên nền đệm lót sinh học. Nuôi lợn theo giải pháp này, hằng ngày ông Dũng không cần phải tắm cho lợn hay vệ sinh chuồng trại bằng nước như trước kia. Toàn bộ chất thải của lợn được vùi lấp tự nhiên dưới lớp “thảm sinh học” khi lợn vận động. Dưới tác dụng của chế phẩm sinh học, chất thải của lợn sẽ lên men và phân hủy thành mùn hòa lẫn với lớp đệm. Điều đặc biệt là toàn bộ quá trình phân hủy này không gây ra mùi hôi thối. Do vậy, ông Dũng dù không phải dọn vệ sinh nhưng chuồng nuôi không có mùi hôi thối như cách chăn nuôi thông thường trong khi đàn lợn vẫn sinh trưởng tốt, khỏe mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng cho biết: Việc nuôi lợn trên đệm lót sinh học giúp gia đình tôi tiết kiệm được tối đa chi phí trong khi bảo đảm được hiệu quả chăn nuôi. Đến nay, đàn lợn đã đạt trọng lượng bình quân 100kg/con và chuẩn bị được xuất bán. Tới đây, tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích dùng đệm lót sinh học để nuôi khoảng 100 con lợn theo phương pháp này.

Tương tự gia đình ông Dũng, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh ở xóm Đất Đỏ cùng được hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình cũng thành công trong việc sử dụng đệm lót sinh học nuôi 12 con lợn. Đàn lợn đã được xuất bán mới đây với tổng trọng lượng 1,1 tấn, cho thu nhập gần 80 triệu đồng. Theo các chuyên gia, với mức đầu tư hợp lý, khoảng hơn 4 triệu đồng, người chăn nuôi đã có một lớp đệm lót diện tích khoảng 20m2 để chăn nuôi 15 con lợn và có thể sử dụng cho khoảng 3 lứa. Ông Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng cho biết: Phương pháp này có mức đầu tư không lớn nhưng đem lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, vừa bảo vệ môi trường vừa giúp người chăn nuôi tiết kiệm được điện, nước, ngày công lao động. Hơn nữa, sau mỗi lần sử dụng, đệm lót này lại trở thành nguồn phân hữu cơ chất lượng tốt để bón cho cây trồng. Bên cạnh đó, lợn nuôi trên nền đệm lót sinh học rất khỏe mạnh, ít bệnh tật nên giảm được cả chi phí sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Ông Mai Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy xã Lâu Thượng cho biết: Việc áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là một hướng đi mới thân thiện với môi trường, giảm thiểu chi phí đồng thời tạo ra một quy trình khép kín trong sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững. Chính vì vậy, chúng tôi cũng đã tổ chức cho bà con nông dân trong xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm tại hai mô hình trên và khuyến khích các hộ chăn nuôi triển khai nhân rộng. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn tài trợ từ dự án để có thể hỗ trợ một số hộ nghèo áp dụng trong trăn nuôi, phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.