Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp, ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp khống chế, không để dịch lây lan trên diện rộng. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi cũng chủ động giám sát dịch bệnh, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để duy trì sản xuất.
Là một trong ba địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, thời điểm này, T.P Sông Công đã thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại xóm Bá Vân 1, xã Bình Sơn để kiểm dịch nghiêm ngặt và phun thuốc sát trùng toàn bộ các phương tiện qua lại. Anh Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Nhằm tránh việc người dân bán tháo lợn ốm, bệnh, ngoài việc tiêu hủy 131 con lợn nhiễm bệnh, chúng tôi đã tổ chức thống kê tổng đàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn xã Bình Sơn nói riêng và các hộ trên địa bàn thành phố nói chung ký cam kết thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Đối với huyện Phú Bình, mặc dù chưa có dịch bệnh nhưng công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: Tổng đàn lợn toàn huyện hiện có trên 125 nghìn con. Giáp ranh với T.X Phổ Yên, địa phương đã có ổ dịch nên chúng tôi thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Chúng tôi cũng chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức 22 lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch cho hơn 20 nghìn người chăn nuôi tham gia.
Còn tại Đại Từ, tuy dịch bệnh chưa xuất hiện trở lại nhưng trước nguy cơ lây lan huyện đã yêu cầu cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát đến từng hộ chăn nuôi, nhất là kiểm soát chặt chẽ nguồn con giống, khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học. Theo thống kê, tổng đàn lợn của huyện hiện có 65 nghìn con, tăng gần 10 nghìn con so với thời điểm cuối năm 2019. Ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại cho biết: Xã đã duy trì việc tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi theo quy định. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, yêu cầu các hộ chăn nuôi chấp hành quy định về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, kiểm soát chặt chẽ việc nhập đàn lợn mới về nuôi ở các hộ dân.
Đoàn kiểm tra liên ngành của T.P Sông Công kiểm tra việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn tại xã Bình Sơn (T.P Sông Công).
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, ngành chức năng, thời điểm này người dân cũng chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, duy trì sản xuất. Chị Lê Thị Kim, ở tổ dân phố Thi Đua, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) cho biết: Đợt dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 khiến gia đình tôi phải tiêu hủy 40 con lợn với trọng lượng hơn 2.000kg. Rút kinh nghiệm, năm nay, tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch và không cho người lạ vào khu vực chuồng trại. Ngoài tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn lợn, tôi phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại 3 lần/tuần; rắc vôi bột xung quanh chuồng và cổng ra vào. Hiện, đàn lợn 100 con của gia đình đã chuẩn bị được xuất bán. Tuy nhiên, từ sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh khiến giá thịt lợn giảm đáng kể. Cụ thể, hiện nay, lợn hơi dao động ở mức 55.000-58.000 đồng/kg, giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với tháng trước.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp - PTNT, đối với tỉnh ta hiện nay dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Định Hóa đã đủ điều kiện công bố hết dịch nhưng ổ dịch tại T.P Sông Công và T.X Phổ Yên vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra lúc này là ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch, khoanh vùng dập dịch. Đối với các địa phương đang có dịch tập trung giám sát việc tiêu hủy ổ dịch, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với các địa phương chưa có dịch triển khai nghiêm túc công tác vệ sinh tiêu độc chuồng trại theo quy định, nhất là tại các ổ dịch cũ. Tăng cường thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để người dân không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan.
Hiện, vẫn chưa có vắc-xin cũng như thuốc điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, chính quyền địa phương thì ý thức chủ động phòng bệnh của mỗi người dân, đặc biệt là người chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Các hộ chăn nuôi cần tuyệt đối tránh tình trạng chủ quan, đặc biệt là dấu dịch và cố tình tiêu thụ lợn bệnh. Bởi việc này sẽ khiến dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. Cùng với đó, khi đầu tư tái đàn, duy trì sản xuất người dân phải đảm bảo an toàn dịch bệnh và khai báo số lượng vật nuôi với chính quyền địa phương để thuận tiện cho việc kiểm soát dịch bệnh.