Hoạt động bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề (LN) trên địa bàn tỉnh gần đây đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngoài những tiềm năng, lợi thế của địa phương, việc các cấp, ngành tích cực triển khai những cơ chế, chính sách hỗ trợ đã tiếp sức cho các LN phát triển. Tuy nhiên, việc thiếu vốn và chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn là những vấn đề đang đặt ra.
Toàn tỉnh hiện có 252 LN đã được cấp bằng công nhận, trong đó có 184 LN truyền thống, phần lớn là các LN chè, ngoài ra có một số LN thuộc nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, sinh vật cảnh… Tổng số hộ thành viên LN là gần 9.500 với trên 20.000 lao động. Theo ông Dương Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, nhìn chung giá trị sản xuất của các LN không cao, thu nhập bình quân của lao động chỉ đạt khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, nhưng LN đã góp phần giải quyết lượng lớn lao động nông nhàn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, ổn định trật tự xã hội, đóng góp đáng kể vào thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được kết quả đó, thời gian gần đây, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai khá hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ LN. Từ năm 2006, nhằm cụ thể hóa Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng Chương trình bảo tồn và phát triển ngành nghề, đề ra chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghề và LN. Các cấp, ngành liên quan có sự phối hợp thường xuyên trong công tác quản lý, rà soát thực trạng và triển khai các chính sách hỗ trợ LN. Theo đó, các LN mới được hỗ trợ 35 triệu đồng (LN truyền thống được hỗ trợ 40 triệu đồng); lao động trong các LN được đào tạo, truyền dạy nghề ngắn hạn; kết cấu hạ tầng LN được ưu tiên đầu tư từ nhiều nguồn vốn lồng ghép; các LN được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, được xem xét, hỗ trợ 100% tiền thuê gian hàng tại các hội chợ - triển lãm trong nước; thụ hưởng các mô hình, dự án, hỗ trợ thiết bị…
Ngoài triển khai các chính sách chung đó, một số địa phương như T.P Thái Nguyên hỗ trợ thêm 20 triệu đồng cho mỗi LN khi đón bằng công nhận, huyện Phú Lương bố trí ngân sách khoảng 200 triệu đồng/năm để hỗ trợ thiết bị, quảng bá sản phẩm LN... Tháng 9 vừa qua, nhằm cụ thể hóa một số nội dung trong Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Quy định về nội dung và mức hỗ trợ ngành nghề nông thôn, LN trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là mức hỗ trợ cho các LN khi mới đón bằng công nhận được nâng lên 40 triệu đồng, LN truyền thống 50 triệu đồng, một số cơ chế, chính sách giai đoạn trước tiếp tục được triển khai.
Tuy nhiên, ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội LN tỉnh cho rằng, các LN vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa theo kịp cơ chế thị trường, không ít nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một. Trong bối cảnh đó, việc thiếu vốn và chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng hơn là vấn đề đang đặt ra. Nguồn hỗ trợ các LN ít được bố trí riêng và thường xuyên mà chủ yếu là lồng ghép (từ năm 2011 đến nay, số vốn riêng được đầu tư cho bảo tồn và phát triển nghề, LN chỉ khoảng 50 tỷ đổng). Vì vậy, để các LN phát triển tốt, các cấp, ngành cần tiếp tục cụ thể hóa chính sách của Trung ương và của tỉnh, dành nguồn kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ thường xuyên và quan tâm ưu tiên lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho LN./