Năm nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 12-14% so với năm 2019. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 10, mức tăng này mới đạt 7,1% và theo dự kiến sẽ đạt trên 9% vào cuối năm. Mặc dù khó hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì kết quả này là rất đáng ghi nhận. Hiện, các tổ chức tín dụng đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nông nghiệp - PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Trong số 6 chỉ tiêu chính Chi nhánh được giao trong năm 2020 thì đến nay có 5 chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành kế hoạch (gồm: nguồn vốn; chất lượng tín dụng, nợ xấu; thu nợ và xử lý rủi ro; tài chính). Còn đối với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 10% xuống còn 7% nhưng không dễ hoàn thành, bởi đến hết tháng 10 mới tăng 2,77%... Tuy nhiên, ông Cường rất kỳ vọng khi dịch COVID-19 ở trong nước tiếp tục được kiểm soát tốt, cộng với việc triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi dành cho các đối tượng khách hàng thì trong 2 tháng cuối năm, Agribank Chi nhánh Thái Nguyên sẽ tăng mạnh được dư nợ.
Được biết bắt đầu từ tháng 11, Agribank triển khai 2 gói hỗ trợ lãi suất rất đáng kể cho các doanh nghiệp (DN), đó là gói 30 nghìn tỷ đồng dành cho DN nhỏ và vừa (với mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ có 4,8%/năm, cho vay trung, dài hạn là 7,5%/năm) và gói 35 nghìn tỷ đồng cho những khách hàng lớn (với mức lãi suất cho vay ngắn hạn từ 3,7-5,5%/năm, cho vay trung, dài hạn là 7%/năm). Ngoài ra còn có chương trình cho vay ưu đãi đối với các khoản vay thông thường từ 7-7,5%/năm kỳ ngắn hạn và 9,5%/năm kỳ trung, dài hạn. Tuy nhiên, đi kèm với từng gói hỗ trợ là các điều kiện mà người vay phải đáp ứng được, mà một trong số đó là phải được xếp hạng tín nhiệm theo đánh giá của Agribank.
Cũng có chung nhận định về những khó khăn trong hoạt động tín dụng năm nay, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) Chi nhánh Lưu Xá chia sẻ: Thực tế cho thấy, thời gian qua, chỉ số ít DN có nhu cầu tăng tín dụng, còn lại phần đông không sử dụng hết hạn mức được vay, thậm chí có thời điểm, dư nợ của nhiều khách hàng bằng 0, do họ ngừng hoạt động hoặc chỉ sản xuất, kinh doanh bằng số vốn tự có. Bù lại, nhờ một số khách hàng lớn vẫn nhận nợ nên dư nợ cho vay bình quân trong 10 tháng qua của đơn vị lại đạt khá cao. Dự kiến, đến cuối năm, mức tăng của Chi nhánh sẽ đạt khoảng 6-7%.
Gia tăng số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ là một trong những giải pháp giúp Ngân hàng Agribank Chi nhánh Thái Nguyên tăng lợi nhuận, bù đắp những ảnh hưởng của việc dư nợ cho vay gặp khó.
Theo báo cáo của NH Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên: Tính đến cuối tháng 10, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt trên 74,1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 13,5% so với cuối năm 2019; ước đến cuối năm, con số này đạt khoảng 75,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,38%. Dư nợ cho vay đạt trên 61,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1%; ước đến cuối năm đạt 62,5 nghìn tỷ, tăng 9,36% so với cuối năm 2019. Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho rằng: Tuy so với mục tiêu đề ra từ đầu năm thì chỉ tiêu dư nợ cho vay dự đoán sẽ thấp hơn khoảng 3% (kế hoạch từ 12-14%) nhưng trước những biến động trong sản xuất kinh doanh do ảnh của dịch COVID-19 thì đây vẫn được xem là kết quả ngoài mong đợi của nhiều NH vì trước đó, đến cuối tháng 5, dư nợ trên địa bàn tỉnh mới chỉ tăng 1,24% so với cuối năm 2019.
Được biết, trong số 33 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh (không tính NH Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên), bên cạnh những NH tăng trưởng thấp, thậm chí là tăng trưởng âm từ vài tỷ đến vài trăm tỷ đồng, thì cũng lại có những NH tăng tới hàng nghìn tỷ đồng và đã hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm.
Ông Bùi Văn Khoa phân tích: Thời điểm nào cũng đều có NH tăng, NH giảm dư nợ, bởi tiêu chí hoạt động và đối tượng khách hàng của mỗi NH không giống nhau. Có NH đẩy mạnh cho vay DN, có NH lại tập trung cho vay cá nhân; lại có NH chủ yếu cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn… Điều này khiến nhu cầu sử dụng vốn ở mỗi NH trong từng giai đoạn sẽ khác nhau. Và khi nền kinh tế gặp khó khăn thì đi kèm với đó sẽ là rủi ro trong gia tăng nợ xấu. Vì thế, trong bối cảnh này, tiêu chí quan trọng nhất mà các NH đều hướng đến đó là kiểm soát được chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các NH không muốn cho vay ra, mà ngược lại, tất cả đều đang rất tích cực “đốt đuốc” đi tìm khách hàng để giải quyết tình trạng vốn cho vay bị dư thừa, nhưng dù thế, các NH vẫn phải nhất quán nguyên tắc không cho vay dưới chuẩn. Cũng chính nhờ đó, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn được kiểm soát tốt, ở mức dưới 1% trên tổng dư nợ…
Thời điểm này, nhiều NH đang tiếp tục hạ lãi suất huy động để có cơ sở hạ lãi suất cho vay nhằm tăng dư nợ tín dụng những tháng cuối năm. Và theo dự báo của nhiều NH, khả năng đây vẫn là xu thế trong thời gian tới. Ở một khía cạnh nào đó, đây được xem là động thái tích cực, sẽ mang lại hiệu quả kép, vừa giúp người vay phần nào giảm bớt khó khăn, vừa để các NH đẩy mạnh nguồn vốn cho vay, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu tăng trưởng. Ngoài ra, các NH cũng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, cũng như thường xuyên đối thoại, kết nối với DN, để có đề xuất, hỗ trợ kịp thời khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NH Nhà nước. Với những giải pháp thiết thực, cụ thể này được kỳ vọng sẽ giúp ngành NH không chỉ hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng mà còn góp phần gia tăng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh.