Nhiều năm qua, chất lượng nguồn vốn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) của Huyện đoàn Phú Bình luôn được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp. Qua đó, giúp việc cho vay đến đúng đối tượng và phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn.
Những năm qua, tuy Phú Bình đang ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng thu nhập chính của phần lớn các hộ dân trên địa bàn huyện vẫn là từ sản xuất nông nghiệp và các hoạt động kinh doanh theo quy mô hộ. Vì thế, nhu cầu được sử dụng vốn vay từ ngân hàng nói chung, NHCSXH nói riêng vẫn rất lớn. Chỉ riêng NHCSXH huyện, tính đến giữa tháng 11-2020, đã quản lý 484 tỷ đồng, tăng 30,5 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Trong số này, số vốn ủy thác qua Huyện đoàn Phú Bình là 112 tỷ đồng, chiếm 23% tổng nguồn vốn.
Theo đồng chí Lê Trung Phương, Bí thư Huyện đoàn Phú Bình: Trong số 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn từ NHCSXH thì Đoàn Thanh niên thường có sự biến động và thay đổi về nguồn lực. Bởi đối tượng tham gia sinh hoạt và làm công tác Đoàn đều trẻ tuổi nên khi tìm được việc làm ở công ty hay lập gia đình phần lớn sẽ không gắn bó với tổ chức Đoàn. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động trong đoàn viên thanh niên cũng như chất lượng quản lý nguồn vốn nhận ủy thác. Ngoài ra, việc quản lý nguồn vốn của Đoàn còn gặp phải một số khó khăn khác, đó là do trẻ tuổi, ít kinh nghiệm, chưa tạo dựng được uy tín trong cộng đồng nên có nơi, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự yên tâm, tin tưởng giao thanh niên quản lý nguồn vốn…
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế này, Huyện đoàn Phú Bình đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ. Đầu tiên là phải kể đến là công tác tuyên truyền phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các hộ thuộc đối tượng được vay vốn. Tất cả chủ trương, chính sách mới liên quan đến việc cho vay đều được cán bộ đoàn các cấp kịp thời triển khai đến các tổ chức đoàn cấp dưới và 84 tổ tiết kiệm - vay vốn (TK-VV) do Đoàn Thanh niên quản lý. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ TK-VV làm tốt khâu bình xét cho vay, đôn đốc người vay trả lãi, trả gốc và thực hiện thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm theo quy định. Phân công cán bộ phụ trách, theo dõi thường xuyên, giữ mối liên hệ với NHCSXH huyện để kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện ủy thác các nguồn vốn vay.
Trong công tác kiểm tra, giám sát, Đoàn Thanh niên huyện luôn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với ngân hàng tiến hành kiểm tra hoạt động đối với đoàn các xã, thị trấn, các tổ TK-VV và đối tượng vay vốn. Đồng thời, tổ chức kiểm tra đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn; công tác lưu giữ hồ sơ, sổ sách của Đoàn các xã, thị trấn và các tổ TK-VV. Ngoài ra, Huyện đoàn cũng luôn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho 100% cán bộ Đoàn cấp cơ sở và ban quản lý tổ TK-VV...
Chị Vũ Phương Thu, Tổ trưởng tổ TK-VV xóm Ngò, xã Tân Hòa chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của NHCSXH và Đoàn Thanh niên xã, mỗi khi nguồn vốn được phân bổ về, chúng tôi lại tổ chức bình xét cho vay theo thứ tự ưu tiên. Trong vòng 30 ngày kể từ khi nguồn vốn được giải ngân, tổ lại tiến hành kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn xem đúng mục đích không. Định kỳ hàng tháng, tổ có trách nhiệm thông báo, đôn đốc những tổ viên đến hạn trả nợ và nộp lãi đúng hạn. Ngoài ra, nếu phát hiện hộ vay nào có ý định chuyển đến nơi khác làm ăn, hoặc vợ chồng ly hôn, tổ sẽ phải thông tin kịp thời đến đơn vị chủ quản để có biện pháp can thiệp, xử lý, tránh tình trạng làm phát sinh nợ xấu.
Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của 4 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác nói chung, Đoàn Thanh niên huyện nói riêng nên trong những năm qua, chất lượng tín dụng của NHCSXH huyện Phú Bình luôn được đảm bảo, với tổng doanh thu cho vay cũng như tổng doanh số thu nợ luôn đạt mức cao; tỷ lệ nợ xấu thường xuyên chỉ chiếm 0,06% trên tổng dư nợ. Qua đó đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nói như đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, với 15 chương trình tín dụng được triển khai với trên 12 nghìn khách hàng, thông qua hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội, nguồn vốn NHCSXH từ lâu đã trở thành nguồn lực không thể thiếu đối với nhiều hộ dân, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cũng nhờ đó, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm trung bình được 2%/năm, tương ứng với khoảng 800 hộ.