Kênh tín dụng thiết thực với nông dân

06:56, 19/12/2020

Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) đã trở thành kênh tín dụng thiết thực hỗ trợ bà con đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn.  

Cách đây 4 năm, gia đình ông Triệu Văn Hoa, ở xóm Khuôn Đã, xã Liên Minh (Võ Nhai) vẫn thuộc diện hộ nghèo. Thu nhập chính của gia đình chủ yếu từ làm thuê và chăn nuôi dê nhỏ lẻ. Nhận thấy là hộ có ý chí vươn lên thoát nghèo, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho gia đình vay 30 triệu đồng, với lãi suất 0,7%/tháng từ Quỹ HTND để đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Được tiếp thêm động lực, ông tích cực học hỏi kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi và mua thêm 10 con dê giống về chăm sóc. Sau thời gian ngắn, đàn dê của gia đình phát triển và sinh sản tốt với 50 con, cho thu nhập ổn định từ 50-70 triệu đồng/năm, ông đã trả vốn trước thời hạn 1 năm. Đối với ông, nguồn vốn từ Quỹ HTND chính là chìa khóa mở ra cánh cửa để gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Không chỉ giúp các hộ nghèo, kinh tế khó khăn vươn lên mà Quỹ HTND còn góp phần thay đổi dần tập quán, phương thức trong lao động, sản xuất của hội viên, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như giá trị của sản phẩm làm ra. Bởi, khi các mô hình triển khai nhờ nguồn Quỹ HTND, các hội viên được Hội định hướng, tạo điều kiện tham gia các tổ, nhóm cùng sở thích, nghề nghiệp. Ở đó, các thành viên liên kết với nhau trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ con giống, vật tư, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm...

Đơn cử như mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và con giống ở xã Vinh Sơn (T.P Sông Công). Năm 2017, 17 hộ dân trong xã được vay 500 triệu đồng từ Quỹ để nuôi 45 con hươu (mỗi hộ nuôi từ 2-4 con). Với vai trò cầu nối, Hội Nông dân xã đã đứng ra thành lập Tổ nghề nghiệp nuôi hươu. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của hội viên trong quá trình chăn nuôi, cùng chia sẻ kinh nghiệm và tìm nguồn tiêu thụ đã giúp các hộ có nguồn thu nhập đáng kể. Sau 4 năm thực hiện, đàn hươu đã tăng tư 45 con ban đầu lên gần 100 con. Từ việc xuất bán hươu giống và cắt nhung (đối với hươu đực), các hộ thu lãi khoảng 20 triệu đồng/con/năm. Đặc biệt, dự án đã thu hút thêm 10 hộ trong xã tham gia chăn nuôi hươu.

Từ thực tế cho thấy, hoạt động của Quỹ HTND luôn gắn với xây dựng các mô hình dự án, tổ kinh tế hợp tác nông nghiệp, nông thôn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hộ vay. Đồng thời định hướng cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, giúp nông dân phát huy được nguồn vốn vay và có điều kiện tái đầu tư sản xuất. Quá trình giải ngân nguồn vốn được thực hiện theo hình thức xoay vòng, trong chu kỳ vay từ 1-3 năm, hội viên vừa tập trung phát triển các mô hình, dự án kinh tế, vừa tích góp hoàn trả vốn và phí để các hộ khác tiếp tục sử dụng.

Chính vì điều này, các hội viên khi đăng ký vay vốn Quỹ đều chăm chỉ, tập trung vào lao động, sản xuất. Đến nay, nguồn Quỹ đã hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ hội viên, nông dân trong tỉnh vay với số tiền gần 42 tỷ đồng để triển khai 103 dự án, mô hình đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nguồn quỹ Trung ương ủy thác là 13,15 tỷ đồng, quỹ cấp tỉnh 21,27 tỷ đồng, cấp huyện trên 7,4 tỷ đồng…

Ông Ma Doãn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh đánh giá: Hầu hết các mô hình đang được triển khai hay đã kết thúc từ Quỹ HTND đều mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, được bà con duy trì và nhân rộng. Điển hình như mô hình trồng, chăm sóc và chế biến chè tại xã Vô Tranh (Phú Lương), La Bằng (Đại Từ); chăn nuôi bò thương phẩm tại xã Minh Lập (Đồng Hỷ); sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Kha Sơn, Xuân phương (Phú Bình)… Bên cạnh đó, hội viên luôn ý thức và tinh thần trách nhiệm cao trong duy trì và phát triển hiệu quả mô hình để trả vốn đúng và trước kỳ hạn. Qua rà soát, những năm qua, nguồn Quỹ đã góp phần giúp trên 200 hộ thoát nghèo, nhiều hộ ngày càng khấm khá và vươn lên làm giàu.