Nguy cơ mất an toàn lao động tại khu vực nông thôn

10:01, 22/12/2020

Trên địa bàn tỉnh hiện có 683 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản phân bố ở các huyện, thành, thị. Đây là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan của người lao động và công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho người lao động còn hạn chế.

Ngày 27/11/2020, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận anh Nguyễn Văn D., làm việc tại một xưởng bóc gỗ trên địa bàn huyện Võ Nhai trong tình trạng chảy máu nhiều, mất da toàn bộ tại các vùng ngực, bụng, lưng, vai, hõm nách, cánh tay phải. Trong khi đang vận hành máy bóc gỗ, tay anh D. đã bị cuốn vào máy bóc gỗ, người bị cuốn theo guồng quay của máy khiến toàn bộ da vùng bụng, ngực và bả vai bị lột, mắc vào trục máy. Vùng da lột đã nát nên không thể tận dụng để ghép da. Các bác sĩ đã tiến hành cầm máu, mổ, lấy da đùi, cẳng chân để ghép lên vùng khuyết da.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Rất may gia đình đã kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Hiện, bệnh nhân đang được tiên lượng tốt. Tuy nhiên, về lâu dài vết thương sẽ hình thành sẹo xấu và có thể ảnh hưởng đến chức năng co kéo toàn bộ cơ vai, ảnh hưởng đến khả năng lao động. Trường hợp như bệnh nhân D. xuất hiện tương đối nhiều và dàn trải trong cả năm, nhất là vào cuối năm, đầu năm, thời điểm mùa khai thác gỗ.

Tìm hiểu tại một xưởng chế biến gỗ ở xã Tân Quang (T.P Sông Công), chúng tôi nhận thấy người lao động ở đây phải tiếp xúc với máy cắt, xẻ, bóc gỗ, trong môi trường nhiều bụi và tiếng ồn. Cuối năm nên lao động thường xuyên làm việc với cường độ cao. Anh Dương Ngọc Khoa, xã Tân Quang (T.P Sông Công), người có thâm niên nhiều năm trong nghề gia công gỗ cho biết: Công việc trong xưởng tương đối vất vả, không chỉ tiếp xúc với khói bụi ảnh hưởng tới sức khỏe mà các người lao động chế biến gỗ còn phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lúc nào cũng có thể xảy ra. Ở xưởng chúng tôi luôn đeo khẩu trang, găng tay bảo hộ nhưng không phải cơ sở nào người lao động cũng được trang bị như vậy. Tai nạn trong nghề thường gặp là khi máy cưa bị đứt dây cu-roa hay gặp phải mắt gỗ, thanh gỗ bật ngược lại người thợ... Nghề này 10 người làm nghề thì 8 người bị xây xát tay chân, chỉ cần sơ sẩy một chút là mất ngón tay như chơi. Bản thân tôi cũng đã từng nhiều lần trầy xước da trong khi làm việc.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đối với lao động khu vực nông thôn không có hợp đồng lao động, trong 2 năm gần đây trên địa bàn toàn tỉnh có 64 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 65 người. Những con số được công bố trên chưa phản ánh đúng tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ sở còn có hành vi che giấu, không khai báo với cơ quan có thẩm quyền khi có tai nạn lao động xảy ra, mà tự thỏa thuận giải quyết với gia đình nạn nhân.

Nguyên nhân các vụ tai nạn trước hết là do người lao động hiện nay sử dụng máy móc chủ yếu theo kinh nghiệm, người này bảo người kia mà không qua đào tạo. Ngoài ra là do công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện an toàn lao động còn hạn chế. Bởi thế, để tránh rủi ro, người lao động cần chủ động đảm bảo an toàn cho chính mình như sử dụng các công cụ bảo hộ trong khi làm việc. Thêm vào đó, các ngành chức năng cũng cần vào cuộc tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn lao động cho người dân.