Vài năm trở lại đây, ngoài phụ thuộc vào làm ruộng hay đi làm thuê xa xôi vất vả, nhiều chị em phụ nữ xã Lâu Thượng (Võ Nhai) chọn nghề làm tóc giả gia công tại địa phương. Công việc này vừa phù hợp với sức khỏe, vừa giúp chị em có thêm thu nhập và điều kiện chăm sóc gia đình.
Chúng tôi đến tổ làm tóc giả của chị Luân Thị Thời, xóm Làng Áng khi chị em đang thực hiện các thao tác móc tóc giả. Ai cũng chăm chú dùng những chiếc móc nhỏ khéo léo móc những sợi tóc vào khuôn đầu nhựa. Chị Thời cho biết: Tổ làm tóc giả này hoạt động được 1 năm nay, hiện đang có 120 người tham gia. Hôm nay trời rét đậm nên đa số chị em mang sản phẩm về làm tại nhà.
Từng có 3 năm học và làm nghề tóc giả nhiều nơi, chị Thời nhận thấy nghề này phù hợp với nhiều phụ nữ nông thôn, miền núi, có thể tận dụng lúc nông nhàn. Sau khi kết nối với các công ty kinh doanh tóc tại Hà Nội, chị đã về quê hướng dẫn cho chị em phụ nữ địa phương làm gia công tóc để tăng thêm thu nhập. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đầu tư nhà xưởng, mũi kim, bàn làm việc… Theo chị, công việc này không vất vả nhưng yêu cầu người làm phải chịu khó, tỉ mẩn, kiên trì. Người khéo tay chỉ cần làm vài tuần là thạo việc. Thu nhập của chị em dao động từ 3-9 triệu đồng tùy người làm nhanh hay chậm.
Gắn bó với tổ làm tóc được một năm, hiện thu nhập của chị Tô Thị Thanh, xóm Làng Áng từ 8-9 triệu đồng. Chị Thanh cho biết: Thu nhập tính theo sản phẩm, mới học việc tôi làm chậm nhưng giờ quen tay làm nhanh hơn rồi, mỗi ngày hoàn thành khoảng 2 sản phẩm là đã có 300.000 đồng. Từ khi tham gia làm tóc giả, tôi có thêm thu nhập, mua được nhiều vật dụng và đã thoát nghèo. Với người dân nông thôn chủ yếu làm ruộng như chúng tôi có công việc ổn định tại nhà, mức thu nhập như thế là phấn khởi lắm.
Còn chị Dương Thị Thơm, xóm Làng Chiềng thì khẳng định nghề làm tóc giả này rất phù hợp với phụ nữ như chúng tôi bởi nhẹ nhàng, không phải ra nắng ra mưa. Hơn nữa công việc cũng linh động thời gian, thoải mái hơn so đi làm công ty do vậy chị em có thể vừa kiếm thêm thu nhập vừa chăm lo cho gia đình, tham gia sinh hoạt Hội. Không chỉ có phụ nữ, mà nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng tham gia làm, có công việc, thu nhập ổn định vợ chồng cũng đỡ thêm gắn bó hơn. chị Thơm chia sẻ.
Được biết nghề làm tóc giả có ở xã được gần chục năm nay, ban đầu chỉ có 1 tổ với vài chục chị em tham gia. Được sự hỗ trợ, động viên khích lệ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và nghị lực của các chị, đến nay toàn xã đã thành lập được 4 tổ làm tóc giả, tạo việc làm cho hơn 600 phụ nữ. Nhiều tổ mới thành lập đã mang lại những kết quả nhất định như tổ của chị Luân Thị Thời, Làng Áng, chị Ngô Thị Lê xóm La Hóa.
Hoạt động theo hình thức gia công, khoán sản phẩm nên các tổ nhận sản phẩm từ công ty theo nguồn lực khả năng nên chị em không có áp lực nhiều và có thể mang vật liệu về nhà, bố trí thời gian hợp lý để làm. Do vậy chị em không cần bỏ quá nhiều vốn để đầu tư cơ sở vật chất, chỉ cần khoảng không gian đáp ứng được việc học nghề. Bên cạnh đó, các tổ đã có ký kết hợp đồng làm việc với các công ty, một số tổ có quy mô lớn được công ty đầu tư bàn làm việc, mũi kim hoặc nuôi ăn... nên chị em cũng yên tâm làm việc hơn. Nhiều chị em ở đây nói vui, làm tóc giả mà thu nhập thật.
Theo chị Hoàng Hà Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lâu Thượng: Các tổ làm tóc giả không chỉ giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn là hình thức “giữ chân” để chị em tham gia công tác Hội, hạn chế tình trạng đi làm ăn xa... Hiện nay nhu cầu thu mua sản phẩm của các công ty kinh doanh tóc giả còn nhiều, do vậy với những ưu điểm kể trên, chúng tôi luôn tuyên truyền khuyến khích hội viên phụ tham gia làm nghề. Đồng thời muốn được các cấp, ngành, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp quan tâm, động viên hỗ trợ vốn với những chị em có nhu cầu. Từ đó, thúc đẩy phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc thiểu số khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công.